Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:15 (GMT +7)
Tiến sĩ Nguyễn Việt: "Vùng sông nước Bạch Đằng từng là một trung tâm thương mại sầm uất"
Chủ nhật, 09/01/2022 | 08:50:28 [GMT +7] A A
Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, là một người đặc biệt quan tâm đến vùng đất Quảng Ninh, trong đó có vùng cửa biển Bạch Đằng. Con đường nghiên cứu tư liệu của Tiến sĩ Nguyễn Việt đã góp phần đem lại những mảnh ghép, giúp bức tranh khảo cổ học tiền sơ sử của Việt Nam thêm các đường nét cụ thể và sinh động hơn.
Nhân dịp Tiến sĩ Nguyễn Việt đến Quảng Ninh tham gia hội thảo "Vị trí và vai trò của Thiên Long Uyển với chiến thắng Bạch Đằng năm 1288", phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với ông.
- Thưa ông, vị trí vai trò của Thiên Long Uyển (xã Yên Đức, TX Đông Triều) với chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 thì dường như đã rõ. Nhưng có vẻ như tại hội thảo này, ông còn muốn làm rõ những vấn đề còn xa xưa hơn nữa?
+ Tôi rất mừng là khu vực Thiên Long Uyển chúng ta đã phát hiện ra dấu tích một cách rất rõ ràng liên quan trực tiếp đến chiến thắng Bạch Đằng. Phát hiện của Thiên Long Uyển chứng minh rằng vua tôi nhà Trần đã về đây trực tiếp tham gia chỉ đạo cuộc kháng chiến.
Đồng thời, nó cũng mở ra cho chúng ta một hệ thống tư liệu mới dường như đến từ một nền văn hóa còn cổ xưa hơn thời của trận Bạch Đằng năm 1288, đó là dấu tích liên quan đến văn hóa Đông Sơn, chứng tỏ rằng ở đây đã có một thời kỳ rất sầm uất mà niên đại của nó rơi vào thời kỳ Âu Lạc.
Theo chúng tôi, nó liên quan đến cả hệ thống giao thông trên sông nước lúc bấy giờ. Hiện nay, chỗ Bảo tàng tiền sử của chúng tôi có 20 chiếc thuyền cổ vớt được trên sông Kinh Thầy có liên quan đến bến bãi, chợ trên sông. Với những bằng chứng hết sức quý giá mà bây giờ chúng ta đã có được, cho thấy trên vùng sông nước Bạch Đằng từng có những hoạt động giao thương dựa trên một nền tảng kinh tế, văn hóa, xã hội rất phát triển trước trận Bạch Đằng khoảng hơn 1.000 năm.
Phát hiện của chúng tôi trên sông Kinh Thầy là 7 cái cột gần như còn nguyên. Đó không phải là cột nhà mà dường như chỉ để làm cọc bến. Chúng đã được nghiên cứu đồng vị phóng xạ và xác định niên đại ngang với niên đại của văn hoá Đông Sơn. Các cọc gỗ phát hiện ở Cao Quỳ (Hải Phòng) phải nói là rất giống với cột, cọc gỗ tìm thấy ở Thiên Long Uyển, có niên đại 2.300 năm.
Từ những gì nghiên cứu, tôi muốn hệ thống hóa lại mật độ dân cư, sự trù mật của vùng đất này thời kỳ Âu Lạc. Chính nó là nền tảng để sinh ra cả một thời kỳ giao thương sầm uất của Giao Chỉ. Khu vực này còn có hàng ngàn mộ Hán của những người rất giàu có.
- Nghĩa là mộ của những người gốc Hán, thưa ông?
+ Họ không phải là người Trung Hoa đâu. Chúng tôi có bằng chứng để khẳng định họ là những quý tộc Việt. Họ đã tham gia vào hoạt động buôn bán quốc tế. Chúng ta biết rằng từ vùng Tiền An, Hà An của TX Quảng Yên hiện nay kéo qua Sông Khoai thành một vệt ở Uông Bí cho đến Mạo Khê, một phần của Đông Triều tạt sang cả Hải Dương nữa, có rất nhiều mộ Hán như thế. Điều đó chứng tỏ rằng, vào đầu Công nguyên khu vực này rất giàu có.
Đây là một khu vực cảng có tính chất cổ họng của đất nước. Không chỉ là cổ họng chống xâm lược mà còn là cổ họng của hoạt động giao thương. Theo thời gian, chúng ta càng có thêm bằng chứng để chứng tỏ sự sầm uất của nơi này trước khi trận Bạch Đằng diễn ra khá lâu.
- Theo như ông nói thì vùng cửa sông Bạch Đằng đã từng là nơi rất sầm uất về thương mại quốc tế?
+ Trong hội nghị quốc tế về văn hóa Hán, chuyên đề con đường tơ lụa trên biển tổ chức tại Quảng Tây, Trung Quốc, tôi đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của cửa sông Bạch Đằng như một trung tâm thương mại vùng từ 4.000 năm trước và bùng phát vào thời Âu Lạc, Nam Việt, Giao Châu, thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên.
Thực tế, tuyến giao thương ven biển giữa vùng đất phía Đông Nam Trung Quốc với nước ta đã có từ lâu, tạo thành một vùng văn hóa tiền sử chung, thấy khá rõ từ thời biển tiến. Từ cuối thời kỳ Chiến Quốc đầu Tần Hán, vùng này mới phát triển sôi động nhờ làn sóng chạy loạn và di dân từ các vùng Sở, Ngô, Việt ở Trường Giang xuống. Khi Giao Châu trở thành một điểm đi và đến của con đường tơ lụa trên biển khoảng trước Công nguyên thì cửa Bạch Đằng và tuyến đường thủy, đường bộ đi sâu vào Giao Chỉ phải là tuyến thương mại chính của cả vùng.
Số lượng mộ táng cả thân cây khoét rộng bó mành, mộ cũi, mộ gạch tập trung ở vùng không phải là vựa lúa này đã lên con số hàng ngàn. Trong đó, có rất nhiều mộ của người giàu có đã phản ánh và ghi nhận hiện tượng cửa ngõ của một trung tâm thương mại quốc tế này.
- Trong số những ngôi mộ đã được khai quật ở Quảng Ninh, ông ấn tượng với ngôi mộ nào nhất?
+ Khi khai quật ngôi mộ ở Hố Của, thuộc đội 5 xã Sông Khoai, TX Quảng Yên, đã phát hiện một ngôi mộ gạch khá lớn, bên trong trang trí nhiều hoa văn đẹp… Tất cả gạch xây đều có in hoa văn nổi trên các cạnh khiến hầm mộ như một bức tường phù điêu lộng lẫy. Hầm mộ gồm ba gian lớn. Gian chính giữa hình chữ nhật, mỗi chiều 3-4m. Các tường cạnh của gian này được xây thẳng đứng rồi thu dần vào tạo thành một đỉnh vòm bốn múi hình thót nhọn. Đây là một kiểu hầm mộ quý tộc xây theo kiến trúc xếp gạch giật cấp rất điêu luyện, bắt đầu phổ biến vào thời Đông Hán.
Hai phía Bắc, Nam của gian vòm cao chính giữa, người xưa làm thêm hai gian vòm cuốn nữa. Gian chính ở phía Nam dài gần 6m, rộng khoảng 2m, cao 2m là nơi đặt quan tài chủ nhân, gian kia dài 2m, rộng 2m, cao 2m là nơi chứa đồ tùy táng. Ở mỗi gian đều có một ngách cổng phụ cao và rộng mỗi chiều 1m. Mặc dù đã bị trộm xâm nhập nhiều lần, song đồ tùy táng vẫn còn khá nhiều ở ngách cửa phụ gian chính giữa. Nền các gian được lát gạch chéo chứ không song song với chiều tường hầm mộ, có nơi dày tới ba lớp gạch.
Chúng tôi đã phát hiện một hiện vật khắc chìm dưới men mỏng hai chữ “Lý thị”, tức họ Lý. Điều này có nghĩa, nhiều khả năng chủ nhân của ngôi mộ là người họ Lý, hoặc dòng họ Lý đã cúng tiến chiếc đĩa này cho người chết.
Họ Lý là một trong những dòng họ xuất hiện sớm nhất trong lịch sử Việt Nam. Đầu Công nguyên, họ Lý là một họ lớn của Giao Chỉ, nhiều người làm tới Thứ sử Giao Châu. Họ Lý cũng nắm giữ nhiều ngành kinh tế quan trọng. Đã có nhiều đồ đồng, đồ sứ phát hiện ở Giao Châu có ghi danh “Lý thị tác”, thậm chí còn ghi rõ “Giao Chỉ Lý thị tác”. Niên đại trên các món đồ ghi rõ họ Lý chế tác thường có niên đại từ năm 118 đến 145 sau Công nguyên. Như vậy, việc phát hiện chiếc đĩa gốm tráng men khắc chìm hai chữ “Lý thị” trong hầm mộ của một đại quý tộc ở xã Sông Khoai đã hé lộ một phần thông tin về lăng mộ.
- Còn những phát hiện gì ở Quảng Yên nữa để ông có thể đi đến khẳng định về con đường giao thương này?
+ Trong phạm vi TX Quảng Yên còn có một điểm văn hóa Đông Sơn, Âu Lạc đáng chú ý nữa đó là ở đội 6 phường Yên Giang, nơi cao nhất của đượng cát chạy dọc sông Chanh cổ mà người Pháp đã lợi dụng để làm Quốc lộ 10 cũ chạy qua Thủy Nguyên, Phà Rừng để vào Quảng Yên. Khi lấy đất đắp đê đã làm phát lộ rất nhiều mảnh gốm Đường Cồ và gốm cứng in ô vuông. Mảnh của chúng vẫn lộ ra trên triền đê khúc cong gần ra đền Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà.
Khảo sát di tích này cho chúng tôi một nhận định về mức nước thấp hơn ngày nay ít nhất 1m của mực nước biển thời Đông Sơn. Gốm Đường Cồ đã tạo một lớp rõ nét ở Tràng Kênh, Thủy Nguyên (Hải Phòng), ở Đầu Rằm (Quảng Yên) và thường thấy ở trong các mộ táng thân cây khoét rỗng trong vùng. Cùng với khá nhiều hiện vật đồng thời Đông Sơn quý xuất lộ trên núi đá vôi hay trong các đượng cát ở vùng Hoàng Tân, nơi có các di tích Đầu Rằm giúp ta hình dung về một nơi tụ cư khai thác thủy sản và thực hành thương mại ở phía tả ngạn cửa sông Bạch Đằng thời kỳ Âu Lạc hoặc Nam Việt.
Tại Quảng Yên, còn phải nhắc đến 2 địa danh muộn hơn một chút nữa đó là Chợ Rộc, phường Tiền An và Bãi Bến, phường Hà An đã xuất hiện nhiều mộ gạch lớn và hàng trăm mộ đất với hiện vật tập trung trong khoảng thế kỷ đầu Công nguyên. Đây chính là một đượng cát cổ kéo dài dọc theo tả ngạn sông Chanh.
Tại Chợ Rộc, ngay từ khi người Pháp khai mở TX Quảng Yên đầu thế kỷ trước đã xuất lộ nhiều mộ gạch kiểu Hán. Viện Viễn đông Bác cổ đã sớm cử chuyên gia về khai quật. Năm 2002, chúng tôi cũng khai quật khu vực này. Quy mô gạch trang trí và mảnh vỡ còn lại của đồ tùy táng cho thấy mộ chủ rất giàu có.
Theo đượng cát này về phía sông Chanh đổ ra cửa biển sẽ đến Bãi Bến. Người dân đã khai đào hàng trăm mộ đất có chứa đồ đồng, tiền thời Ngũ Thù và đồ gốm thời kỳ đầu Công nguyên. Rõ ràng, đây là một nơi tụ cư cảng thị mà tên Bãi Bến còn được lưu giữ gần 2.000 năm trước đến tận bây giờ.
Lần theo vệt phân bố dày đặc các mộ gạch đầu Công nguyên ngược về nguồn sẽ thấy một tuyến thương mại khổng lồ mang tên Giao Châu. Điểm dẫn đến tiếp theo từ cửa sông Bạch Đằng sẽ là Đá Bạc, sông Giá, sông Kinh Thầy, Phả Lại theo sông Đuống, sông Dâu để vào Cổ Loa, Luy Lâu, Long Biên trung tâm của vựa lúa Giao Chỉ. Đó cũng là tuyến mộ gạch phân bố dày đặc. Trong đó, mở đầu là cửa sông Bạch Đằng, Thủy Nguyên, Kinh Môn và phần hữu ngạn là Quảng Yên, Uông Bí, Mạo Khê với số lượng mộ gạch lên đến hàng ngàn.
Do đó, cần có những đề tài khảo sát lớn hơn để làm rõ hơn nữa cấu trúc dân cư và vai trò kinh tế - xã hội của khu vực cửa sông Bạch Đằng dưới thời Âu Lạc, Nam Việt, làm cơ sở cho sự bùng nổ thành hệ thống kinh tế thương mại quốc tế đầu Công nguyên có quy mô lớn vào loại nhất, nhì khu vực đương thời.
- Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học (Thực hiện)
- UNESCO sẽ xem xét hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa
- Di sản văn hóa - tài nguyên quý để phát triển du lịch
- Quảng Yên có thêm 1 di sản văn hóa quốc gia, 1 di tích quốc gia
- Tràng Lương gìn giữ di sản hát then - đàn tính
Liên kết website
Ý kiến ()