Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:33 (GMT +7)
Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương: "Văn hoá công nhân mỏ sẽ là nền tảng và động lực để Quảng Ninh phát triển"
Chủ nhật, 23/10/2016 | 12:46:41 [GMT +7] A A
Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương. |
Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương đã từng giảng dạy nhiều thế hệ sinh viên ở Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Bà được biết đến nhiều với vai trò là khách mời trong các buổi trò chuyện trên báo chí, truyền hình, nói chuyện chuyên đề ở các cơ quan công sở về văn hoá, gia đình. Không ít ý kiến, quan điểm của Tiến sĩ Đoàn Hương đã tạo được ấn tượng mạnh với dư luận, công chúng.
Hướng đến kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công nhân Vùng mỏ - truyền thống ngành Than, 12-11 (1936-2016), phóng viên Báo Quảng Ninh có cuộc trao đổi với Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương về văn hoá gia đình của người công nhân mỏ.
Văn hoá Quảng Ninh không bị pha loãng
- Thưa Tiến sĩ, như bà đã biết, Quảng Ninh là vùng đất nhập cư, dân Quảng Ninh phần nhiều đến từ các nơi khác nhau, chủ yếu ở các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng. Vậy theo bà, cái nét văn hoá truyền thống ở Đồng bằng Sông Hồng khi đem vào vùng công nghiệp nặng thì có sự xáo trộn không?
+ Con người Việt Nam rất mềm mại, phù hợp với sự hoà nhập bởi cội rễ của con người Việt Nam, của dân tộc ta là hiền lành, thông minh, chăm chỉ và dũng cảm. Chúng ta không nên suy nghĩ rằng Quảng Ninh là vùng đất nhập cư nên pha loãng truyền thống văn hoá ấy. Dù có nhập cư hay không, nhưng Quảng Ninh vẫn là một châu thổ Sông Hồng mà thôi, vẫn chung một nền văn hoá, nên tôi cho rằng, yếu tố đó không ảnh hưởng phát triển văn hoá Quảng Ninh...
- “Kỷ luật - Đồng tâm” là đặc tính truyền thống của người thợ mỏ. Truyền thống ấy có tác dụng gắn kết những người thợ với nhau, gắn kết nhiều thế hệ trong một gia đình, và nhiều gia đình thợ mỏ bấy lâu nay. Cái này khác biệt với văn hoá làng ở đồng bằng Bắc bộ. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
+ Tôi nghĩ, cần phát triển cái tinh thần kỷ luật, đồng tâm và thống nhất, đoàn kết trong công nhân Quảng Ninh. Tôi cho rằng yếu tố đặc sắc này không chỉ của công nhân và cả của người dân nơi đây. Tôi hy vọng, Quảng Ninh sẽ có được sự phát triển rực rỡ trong tương lai vì con người nơi đây được tiếp thu các truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân trước đây cũng như hôm nay. Đồng tâm, thống nhất, đoàn kết là đặc điểm riêng biệt của người Quảng Ninh, là nền tảng và động lực để giúp cho tỉnh nhà phát triển trong tương lai, xây dựng con người Quảng Ninh trong thời kỳ mới. Quảng Ninh không chỉ phát triển mạnh về kinh tế mà còn phát triển cả văn hoá...
Hãy giữ gìn văn hoá của gia đình thợ mỏ
- Nhân nói đến xây dựng con người, hiện nay, Quảng Ninh có khoảng 11 vạn thợ mỏ. Họ sống trong nhịp sống ca kíp bận rộn, nặng nhọc vất vả. Nhịp sống đó đã tác động như thế nào đến đời sống gia đình những người thợ mỏ không thưa bà?
+ Theo tôi, gia đình Quảng Ninh là kiểu gia đình mẫu mực trong cả nước. Tuy nếp sống ca kíp của công nhân mỏ có mệt nhọc nhưng chính nếp sống hiện đại đã có tác động tốt chứ không ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống công nhân. Vì sao ư, vì nó đã thay đổi tư duy người công nhân theo hướng tích cực. Và đây cũng là nền tảng để giáo dục con cái đi tiếp con đường của mình...
Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương (thứ hai, phải sang) trong một cuộc nói chuyện chuyên đề tại Hạ Long. |
- Nhưng thưa bà, công nhân mỏ đến bữa cơm gia đình hàng ngày nhiều người cũng khó có thể sum họp. Vậy thợ mỏ họ sẽ dành thời gian giáo dục con cái như thế nào cho tốt?
+ Chúng ta đừng giữ quan niệm theo truyền thống, bởi không riêng gì thợ mỏ có rất nhiều người làm những công việc khác cũng bận rộn, cũng khó có bữa cơm đầy đủ với gia đình. Tôi lấy ví dụ như: Nhà báo các anh đây, rồi tiếp viên hàng không, hay hướng dẫn viên du lịch, họ đều vậy cả. Nhưng cái quan trọng nhất để khoả lấp điều đó là mỗi người phải xây dựng được gia đình hạnh phúc...
- Nghĩa là mỗi gia đình thợ mỏ cần phải điều chỉnh rất nhiều trong đời sống công nghiệp?
+ Đúng thế. Đời sống hiện đại nó làm thay đổi nhiều nếp suy nghĩ của người thợ mỏ, lối sinh hoạt của gia đình thợ mỏ. Nhìn rộng ra, điều này không chỉ xảy ra ở Quảng Ninh mà cả Việt Nam. Khi các gia đình Việt Nam bước vào đời sống hiện đại, nếp sinh hoạt thay đổi, buộc mỗi người phải thích ứng. Nhưng cái truyền thống mà chúng ta quan niệm như đã nhắc đến ở bên trên chúng ta không nên đóng cứng vào cái sự bất di, bất dịch. Chúng ta buộc phải điều chỉnh phù hợp với cuộc sống hiện đại. Theo tôi, sự điều chỉnh này là cần thiết và rất quan trọng...
- Truyền thống ấy sẽ điều chỉnh như thế nào trong xã hội mà công nghệ rất phát triển, con người gần như không có khoảng cách trong một thế giới phẳng, giao du bằng Facebook, Zalo, Instagram, Twitter v.v.. Ý kiến của bà về vấn đề này thế nào?
+ Nói thực, ngay bản thân tôi cũng không tán thành quan niệm thế giới phẳng. Thực sự thế giới không phẳng về văn hoá, bởi mỗi một dân tộc có truyền thống văn hoá khác nhau. Còn về mạng xã hội, chúng ta phải thừa nhận công nghệ hiện đại như facebook, zalo, viber v.v.. tác động lớn vào cuộc sống gia đình. Cho nên, mỗi chúng ta phải điều chỉnh để thích nghi với cuộc sống hiện đại. Chúng ta phải giải quyết tận gốc là giáo dục tại nhà trường để học sinh sử dụng mạng xã hội hợp lý. Chúng ta phải tìm cách tránh tình trạng để cho giới trẻ hiện nay sa vào mạng xã hội một cách mất kiểm soát, cổ suý cho cái xấu, cái không bình thường, từ đó sẽ làm chia rẽ và trực tiếp phá hoại hạnh phúc gia đình, văn hoá truyền thống. Tôi cho rằng, vấn đề giáo dục và tuyên truyền là rất cần thiết và nên đưa vào chương trình đạo đức bắt buộc khi hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội. Nhìn rộng ra trên thế giới, hiện nay ở một số nước họ đã kiểm soát chặt chẽ việc học sinh sử dụng các trang mạng xã hội bằng cách căn cứ vào thời gian và cấp học cho từng lứa tuổi rất cụ thể, tránh những trang mạng không lành mạnh, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, hành vi của học sinh...
Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ninh. |
- Xin được hỏi Tiến sĩ thêm một câu: Trong xu thế hội nhập hôm nay, theo dòng dịch chuyển lao động xã hội, rất có thể nhiều người là con cái của những người thợ mỏ sẽ lại di chuyển đến nơi khác để làm việc. Bà có góp ý gì cho những người thợ mỏ trong việc giáo dục họ dù làm việc ở nơi xa nhưng luôn hướng về giữ gìn truyền thống tốt đẹp của những gia đình thợ mỏ?
+ Theo tôi, sự quan tâm lớn nhất là tình cảm. Nếu bố mẹ thật sự quan tâm tới con cái, không nhất thiết cần nhiều thời gian quá. Cái quan trọng là tình cảm yêu thương gia đình đối với con cái ra sao. Điều quan trọng nhất là bố mẹ làm tấm gương sáng cho con cái học tập noi theo. Tôi nghĩ người thợ mỏ sẽ làm được điều đó...
- Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi thú vị này!
Dương Trường - Huỳnh Đăng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()