Bà Thúy 56 tuổi, bị xác định là chủ mưu vụ tạt axit năm 2008, vừa gửi đơn kêu cứu lên Chánh án TAND Tối Cao, VKSND Tối cao, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cùng nhiều cơ quan trung ương và Hội bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em TP HCM. Bà đã chấp hành xong bản án 2 năm 11 tháng 14 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) từ cuối năm ngoái, song mong muốn Bộ Công an vào cuộc điều tra lại vụ án để minh oan cho mình "bởi tài liệu hồ sơ vụ án đã bị làm sai lệch".
Bà Thuý cho biết, vì vụ án oan mà đang là giảng viên đại học phải đi tù, mất hết danh dự, việc làm. Thời gian bà bị tạm giam, con trai mới hơn 10 tuổi phải nghỉ học vì không có người chăm nuôi. Cuộc sống của hai mẹ con bà phải chịu nhiều tủi nhục.
Những vấn đề này bà từng trình bày và khiếu nại trong suốt quá trình điều tra, xét xử. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng cho rằng không có căn cứ chấp nhận. Dựa vào các tài liệu chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được có đủ cơ sở xác định bà thực hiện hành vi phạm tội như cáo buộc.
Theo hồ sơ vụ án, trong thời gian chờ tòa giải quyết ly hôn, bà Thúy biết chồng có quan hệ tình cảm với nữ nhân viên tiệm tóc nên ghen tức.
Khoảng tháng 3/2008, bà Thuý cho người quen là Lê Hoài Phong, quê Trà Vinh, ở nhờ nhà trên đường Hồ Văn Huê. Trong thời gian này, bà thường kể tình trạng vợ chồng mình cho Phong nghe và nhờ anh ta theo dõi tình địch; nơi chồng và nhân tình hẹn hò để đánh dằn mặt cô này. Phong đồng ý và mượn xe máy của Thọ (em bà Thuý) đi tìm hiểu. Nữ tiến sĩ cũng đưa điện thoại cho Phong liên lạc và chở anh ta đi mua axit.
Biết tình địch đang tìm chỗ để mở tiệm tóc, bà Thúy nói Phong đóng giả người có mặt bằng cho thuê, lừa cô này gặp mặt để ra tay. Khoảng 9h ngày 22/3/2008, Phong mang theo chai axit, hẹn cô gái trên đường Nguyễn Thái Bình (phường 4, quận Tân Bình) để xem mặt bằng.
Nhiều tài liệu trong hồ sơ thể hiện, trước khi ra tay, Phong gọi báo cho bà Thúy biết đã xác định được "mục tiêu" đang đứng bên đường. Lúc đó Thúy khóc, năn nỉ Phong tạt axit tình địch giúp mình. Phong chạy vòng ra phía sau cô gái, tạt axit vào mặt nạn nhân rồi về quán cà phê cất xe, sau đó được bà Thúy cho 500.000 đồng.
Nạn nhân bị bỏng axit vùng mặt, cổ, ngực và hai tay với tỷ lệ thương tật vĩnh viễn 26%. Bị bắt sau đó, Phong khai được bà Thúy xúi giục tạt axit nhân tình của chồng để trả thù. Anh ta làm giúp chứ không nhằm mục đích hưởng lợi. Còn bà Thúy khẳng định không liên quan đến vụ án.
Công an quận Tân Bình khởi tố bị can đối với bà Thuý nhưng VKS không phê chuẩn vì "không có chứng cứ chứng minh bà Thúy đã xúi giục, cung cấp axit, phương tiện đi lại để Phong thực hiện hành vi phạm tội...".
Tòa án nhiều lần trả hồ sơ vì "có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm", yêu cầu làm rõ hành vi của bà Thuý. Tuy nhiên, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm. Quyết định này của cơ quan công tố từng gây nhiều tranh cãi trong thời gian giải quyết vụ án. Do giới hạn xét xử được quy định trong luật Tố tụng Hình sự, TAND quận Tân Bình chỉ được quyền xét xử một mình bị cáo Phong, tuyên phạt 4 năm tù về tội Cố ý gây thương tích.
Bản án này sau đó bị TAND TP HCM hủy do "có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm". Quá trình điều tra bổ sung, Công an và VKSND quận Tân Bình khởi tố bà Thuý nhưng tiến sĩ không có mặt tại địa phương, bị truy nã.
TAND quận Tân Bình xét xử sơ thẩm lần hai, tuyên phạt Phong 4 năm 6 tháng tù, thuộc trường hợp "gây cố tật nhẹ cho nạn nhân, phạm tội có tổ chức, có tính chất côn đồ".
Trong 7 năm trốn truy nã bà Thúy đi nhiều nơi sinh sống, đến tháng 12/2017 bị bắt. Quá trình điều tra, bà không thừa nhận đã xúi giục Phong tạt axit nạn nhân. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng, căn cứ vào lời khai của Phong, những người liên quan và các chứng cứ khác có đủ cơ sở kết luận bị cáo là chủ mưu vụ án.
Một năm sau, do bà Thúy có nhiều biểu hiện bất thường, rối loạn cảm xúc nên Công an quận Tân Bình quyết định trưng cầu giám định tâm thần. Tháng 3/2019, Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa kết luận: trước, trong và sau khi gây án bà Thúy bị rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định; về nhận thức: thời điểm gây án bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi; thời điểm giám định bị mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi để làm việc với cơ quan pháp luật. Viện pháp y cho rằng cần phải đưa bà Thuý đi chữa bệnh bắt buộc.
Sau gần một năm chữa bệnh, cuối năm 2020 bà Thuý bị TAND quận Tân Bình xét xử. Bị cáo kêu oan, song toà tuyên phạt mức án bằng thời gian tam giam, buộc bồi thường cho nạn nhân 35 triệu đồng. Bà Thuý chấp nhận mức án, chỉ kháng cáo xin lại một số điện thoại và đĩa CD chứa các băng ghi âm đã bị cơ quan điều tra tịch thu.
Hồi tháng 3, TAND TP HCM xử phúc thẩm. Bà Thúy tiếp tục kêu oan và đề nghị giải quyết các đơn thư khiếu nại của mình trước đó.
Bà trình bày, trong thời gian bị giam đã gửi hơn 30 lá đơn kêu oan và khiếu nại về các quyết định của cơ quan tố tụng nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Giải thích về lý do không kháng cáo mức án, mức bồi thường nhưng ra tòa lại kêu oan, bà cho rằng "sợ bị tăng án, bắt giam trở lại". "Tôi không kháng cáo mức án không có nghĩa tôi nhận tội", bà nói.
Về việc xin nhận lại điện thoại, đĩa CD... bị cáo cho biết trong các vật dụng đó có nhiều chứng cứ quan trọng để bà đi kêu oan, cũng như giải quyết vụ phân chia tài sản sau ly hôn kéo dài hơn chục năm nay.
Tuy nhiên, kháng cáo của bà không được toà chấp nhận, bởi đây là vật chứng trong vụ án nên cần tịch thu tiêu hủy. HĐXX cũng chỉ xem xét nội dung theo đơn kháng cáo, việc bà Thuý kêu oan hay các khiếu nại khác đã được các cơ quan tố tụng trả lời bằng văn bản.
Trong đơn kêu cứu vừa gửi các cơ quan tố tụng trung ương, bà Thúy cho rằng không có động cơ đánh ghen và gây án bởi mình là người chủ động xin ly hôn (2006) sau 2 năm sống ly thân. Thời điểm xảy ra vụ án năm 2008, giữa bà và chồng đã chấm dứt quan hệ hôn nhân, chỉ còn tranh chấp tài sản là căn nhà trên đường Hồ Văn Huê. Lúc này, bà cũng chuẩn bị có hôn phu mới.
Các cơ quan tố tụng đều xác định, trước khi ra tay, Phong gọi điện và bà khóc lóc xin anh này tạt axit tình địch, nhưng thời điểm đó bà đang đứng lớp ở một trường đại học cách đó 20 km, các sinh viên xác nhận bà không nói chuyện cuộc gọi nào. Phong cũng có lời khai bà là người chở đi mua axit vì lúc đó anh ta mới ở quê lên, không biết đường Sài Gòn, nhưng thời điểm này bà cũng đang đi giảng ở một trường chuyên trong thành phố. Các điện thoại, sim... mà cơ quan điều tra thu được tại nhà bà không có cuộc gọi nào chứng minh bà có liên lạc với Phong để thực hiện vụ tạt axit... Các mâu thuẫn này chưa được cơ quan điều tra giải quyết, không cho bà đối chất với Phong và những người liên quan.
Lý giải về việc không có mặt tại địa phương để hợp tác với cơ quan điều tra, sau đó bị truy nã, bà Thúy cho biết năm 2009 đã làm đám cưới với một trung tá công an nhưng chưa đăng ký kết hôn. Năm 2010 họ có một con trai chung. Lúc này, bà mới biết chồng đang có hôn thú với người phụ nữ khác.
"Lúc con trai tôi một tuổi có người hãm hại, bỏ chất độc vào sữa, bị tạt nước sôi nên hai mẹ con phải rời khỏi Sài Gòn để đảm bảo an toàn. Năm 2015, tôi phát hiện mình bị truy nã nên từng đưa cả con trai đến VKSND TP HCM để trình diện và khai mình không liên quan đến vụ tạt axit", bà Thuý nêu trong đơn.
Ngoài ra, bà Thuý cũng cho rằng mình không bị tâm thần như kết luận của cơ quan chức năng. Bản thân bà là Tiến sĩ Văn học, đi giảng ở nhiều trường và xuất bản nhiều đầu sách là giáo trình giảng dạy trong các trường đại học. Tuy nhiên, quá trình điều tra lại vụ án, cơ quan tố tụng và chức năng kết luận bà vào "thời điểm gây án bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi" là không đúng.
Ý kiến ()