Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:23 (GMT +7)
Tiến độ trồng lim, lát, giổi còn chậm
Thứ 2, 25/04/2022 | 10:19:19 [GMT +7] A A
Trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào những cây bản địa có giá trị kinh tế cao như lim, lát, giổi là chủ trương lớn, quan trọng được Quảng Ninh quyết tâm triển khai trong năm 2022 này. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển trồng rừng gỗ lớn, trong năm nay toàn tỉnh phấn đấu trồng 2.500ha. Trong đó, Đông Triều 50ha, Uông Bí 50ha, Hạ Long 485ha, Cẩm Phả 50ha, Vân Đồn 250ha, Ba Chẽ 480ha, Tiên Yên 446ha, Bình Liêu 200ha, Đầm Hà 259ha, Hải Hà 184ha, Móng Cái 50ha. Tuy nhiên, đến hết quý I vừa qua, tiến độ chung thực hiện trồng rừng gỗ lớn của tỉnh còn thấp chỉ đạt 9,7% kế hoạch, tương đương với 244,25ha.
Thực tế từ đầu năm đến nay chỉ một số ít địa phương triển khai kế hoạch trồng lim, lát, giổi được đảm bảo, còn lại đa số chưa đạt tiến độ đề ra. Trong đó một số địa phương hiện đang đạt tỷ lệ trồng rừng gỗ lớn thấp như Đông Triều, Vân Đồn, Đầm Hà, Móng Cái…
Như tại huyện Đầm Hà, thực hiện kế hoạch trồng trên 250ha rừng gỗ lớn được tỉnh giao, đến nay mới chỉ có xã Dực Yên triển khai trồng được 5/25ha. Đây cũng là địa phương duy nhất của huyện Đầm Hà đến thời điểm này có khối lượng trồng rừng gỗ lớn được thực hiện trên địa bàn.
Nguyên nhân chậm tiến độ trồng rừng gỗ lớn được tỉnh và các địa phương xác định là do công tác chỉ đạo, phân công, tuyên truyền trong việc triển khai trồng rừng gỗ lớn với các loại lim, lát, giổi của một số địa phương còn mức độ, chưa quyết liệt, chưa đạt hiệu quả rõ rệt. Công tác tham mưu giải quyết các thủ tục liên quan đến khai thác, thanh lý rừng còn chậm. Nhiều diện tích do UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức, doanh nghiệp quản lý nhưng chưa có chính sách hỗ trợ trồng rừng.
Để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng gỗ lớn, hoàn thành kế hoạch đặt ra trong năm nay, Quảng Ninh yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện, phấn đấu hết quý II toàn tỉnh hoàn thành 50% và hết quý III hoàn thành 100% kế hoạch. Các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền đến người dân về chính sách vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để trồng rừng, khẩn trương giải ngân vốn đối với các hộ gia đình tham gia trồng rừng theo chính sách của Nghị quyết 337 của HĐND tỉnh. Yêu cầu các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp triển khai trồng rừng năm 2022 bằng các loài lim, lát, giổi đạt tối thiểu 5% trên tổng diện tích đất được giao, cho thuê của đơn vị có điều kiện phù hợp.
Quảng Ninh cũng yêu cầu các ngành, địa phương liên quan thực hiện trồng rừng gỗ lớn phải đảm bảo mùa vụ, tiến độ, chất lượng, đảm bảo thành rừng. Bởi trong lĩnh vực lâm nghiệp, mùa vụ thuận lợi nhất trong năm để trồng rừng diễn ra từ tháng 1 đến tháng 5. Đây là giai đoạn thời tiết có mưa nhiều, trồng rừng có tỷ lệ cây sống cao, đảm bảo phát triển thành rừng.
Có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, khối lượng trồng rừng gỗ lớn với các loài cây lim, lát, giổi trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. Để phấn đấu trồng 2.500ha rừng trong năm nay thì ngay từ bây giờ khi còn trong khung thời vụ trồng rừng thuận lợi, các ngành, địa phương liên quan cần tích cực, khẩn trương triển khai, đặc biệt là giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, chủ rừng. Trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề về vốn vay, giống và giải pháp tạo nguồn thu, sinh kế cho người dân trong thời gian chờ rừng gỗ lớn phát triển.
Mục tiêu trồng rừng gỗ lớn của tỉnh là chủ trương trúng, đúng, không chỉ thực hiện hiệu quả Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mà còn thúc đẩy ngành lâm nghiệp Quảng Ninh phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, tạo nguồn sinh thuỷ lâu dài, qua đó từng bước hiện thực hoá mục tiêu phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()