Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:36 (GMT +7)
Tiến dần đến sự ổn định của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
Thứ 2, 10/06/2024 | 08:47:25 [GMT +7] A A
Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng một ngành công nghiệp ô tô với mục tiêu sản xuất thay thế nhập khẩu và từng bước tiến tới xuất khẩu.
Tận dụng cơ hội
TS. Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do FTA và được thế giới công nhận là một nền kinh tế mở. Tuy nhiên, các chính sách về thuế quan, hành lang pháp lý trong lĩnh vực ô tô và linh kiện, phụ tùng nhập khẩu chưa thực sự cân bằng giữa các thị trường.
Theo đó, đối với các quốc gia ASEAN, Việt Nam đang áp thuế 0% đến hết năm 2027 đối với các mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Trong quan hệ với Hàn Quốc, theo Nghị định số 125/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều mặt hàng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng được áp thuế suất 0% kể từ năm 2022.
TS. Lê Huy Khôi cho biết thêm, thuế suất đối với linh kiện, phụ tùng ô tô nhập khẩu từ 27 quốc gia EU vẫn ở mức khá cao. Theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len (UKVFTA), chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu được điều chỉnh giảm dần từ năm 2022 đến năm 2027. Ví dụ, theo EVFTA, trong năm 2023, sản phẩm bugi, lốp xe con đang được áp thuế lần lượt là 5% và 12,5%. Đến năm 2027, các sản phẩm này sẽ được giảm thuế về 0%, nghĩa là chậm hơn 5 năm so với Hàn Quốc, ASEAN. Theo UKVFTA, một số sản phẩm được áp thuế 0% sớm hơn kể từ năm 2025.
Để ứng phó với làn sóng đổ bộ ô tô ngoại, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp ngành ô tô Việt Nam cần tìm hiểu kỹ các cam kết EVFTA, chuẩn bị các điều kiện để tận dụng các cơ hội từ Hiệp định cũng như sẵn sàng cho tương lai cạnh tranh khi hết lộ trình bảo hộ thuế quan.
Việt Nam có thể hình thành một số trung tâm, cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa.
Cùng với đó, nghiên cứu, xây dựng trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo ô tô tại 3 miền Bắc, Trung và Nam (Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh).
“Chính phủ cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong ngành ô tô - đặc biệt là ô tô điện và linh kiện, phụ tùng cùng hệ thống hạ tầng cho ngành ô tô điện như trạm sạc, cổng sạc…để hỗ trợ doanh nghiệp ô tô, phụ trợ trong nước, đồng thời lựa chọn một số bộ phận quan trọng trong chuỗi giá trị cấu thành ô tô đưa vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm của quốc gia”, TS. Lê Huy Khôi cho hay.
Vẫn còn “nút thắt”
Để thực hiện tốt Chiến lược Phát triển Công nghiệp ôtô Việt Nam trong quá trình thực hiện FTA, nhiều doanh nghiệp ô tô kiến nghị, thuế tiêu thụ đặc biệt cần được hỗ trợ để phát triển xanh cho các dòng xe HEV (xe lai xăng điện tự sạc), PHEV (xe lai xăng điện có sạc ngoài) và giữ ổn định cho các loại xe khác. Đồng thời gia hạn thuế TTĐB cho các loại xe thuần điện để phát triển dung lượng thị trường. Các loại thuế phí khác cần giữ ổn định và giảm khi cần thiết để kích cầu góp phần hồi phục thị trường trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
Ông Dương Bá Hải - Phó Trưởng phòng Phòng Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho rằng, việc tham gia các FTA ngoài mang lại cơ hội cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực về cạnh tranh.
Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đã mang lại hiệu quả thông qua việc hoàn thuế nhập khẩu, góp phần làm giảm chi phí vật tư đầu vào giúp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường’, ông Hải nói và cho biết, riêng về thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính luôn nắm bắt tình hình thị trường để từng bước đưa chính sách ưu đãi vào cuộc sống, đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển.
Cũng theo ông Hải, việc xây dựng các chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, xe ô tô điện hóa nói riêng trong thời gian tới cần được nghiên cứu thận trọng và kỹ lưỡng. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội để rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp ôtô để nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách đảm bảo tính đồng bộ của các Luật thuế, pháp luật chuyên ngành, đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô và bối cảnh Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu, rộng trong các FTA.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Ánh Tuyết, Trưởng tiểu ban Hải quan thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, với việc thực hiện các cam kết của EVFTA, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm khoảng 6,4%/năm, liên tục trong vòng 10 năm. Năm 2024, thuế nhập khẩu được áp dụng là 38,1%. Dự kiến đến năm 2030, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU xuống còn 0%.
Điều này cũng làm các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực để duy trì sản xuất và duy trì được thị phần trong các phân khúc đang có hiện diện.
Xác định ngành công nghiệp ô tô tiếp tục giữ vai trò then chốt
Về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TS. Lê Huy Khôi cho rằng, cần phải đảm bảo phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của quốc gia; phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng và địa phương; xác định ngành công nghiệp ô tô vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò then chốt trong thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) chỉ ra, giai đoạn từ năm 2023 - 2030 được xác định là giai đoạn khởi đầu cho chiến lược mới. Định hướng phát triển ngành ô tô Việt Nam sẽ đạt mức cơ giới hoá vào năm 2030 và đạt khoảng trên 1,5 triệu xe các loại. Trong giai đoạn này xác định các dòng xe động cơ đốt trong vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ yếu và chiếm tỷ trọng lớn trong cả sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.
Giai đoạn 2031 - 2035 sẽ là giai đoạn bước vào thời kỳ tăng trưởng nhanh; lượng xe điện hoá, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới,... sẽ tăng mạnh mẽ, dần thay thế các dòng xe động cơ đốt trong.
Giai đoạn 2035 - 2045 và những năm tiếp theo được xác định sẽ là giai đoạn tăng trưởng mạnh của lượng xe điện hoá, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời , sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới,... và tiến dần đến sự ổn định của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Để hoàn thành mục tiêu này, TS. Lê Huy Khôi đã nêu hàng loạt giải pháp rất cụ thể. Đầu tiên là phải xây dựng các chương trình, đề án phát triển ngành công nghiệp ô tô, cụ thể hóa một số nội dung của chiến lược. Xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam với các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển.
Cùng với đó lựa chọn một số bộ phận quan trọng trong chuỗi giá trị cấu thành ô tô đưa vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm của quốc gia.
Cuối cùng là nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô nhập khẩu đồng thời hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế....
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()