Những ngày cuối năm 2022, cặp giao dịch PI/USDT được niêm yết trên một số sàn giao dịch. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của nhiều người về việc có thể bán Pi lấy tiền, đồng Pi được niêm yết thực chất do các sàn tự tạo ra theo hình thức ghi nợ IOU (I Owe You). Có nghĩa, các sàn sẽ niêm yết một đồng tiền số từ trước để người dùng có thể giao dịch, sau đó sẽ trả bằng đồng thật khi dự án phát hành chính thức.
Tiếp nối XT, Huobi, BitMart, đến nay đã có khoảng 10 sàn giao dịch, phần lớn là sàn nhỏ, ít tên tuổi, niêm yết cặp Pi/USDT, trở thành một trong những chủ đề nóng trên thị trường tiền số đầu 2023.
Tuy nhiên, các nhà phát triển Pi Network khẳng định không liên quan, và đồng Pi trên các sàn cũng không liên kết với dự án Pi thật. Sau những quan tâm giai đoạn đầu, đồng Pi "giả" trên các sàn cũng dần mất sức hút.
Giá liên tục giảm
Sau khi niêm yết, giá của đồng Pi trên sàn có lúc vọt lên hơn 350 USD. Tuy nhiên xu hướng chỉ diễn ra trong hai ngày đầu, sau đó liên tục đi xuống. Theo thống kê trên CoinMarketCap chiều 14/1, giá trị của Pi hiện khoảng 60 USD, giảm 5-6 lần sau hai tuần. Khối lượng giao dịch của Pi từ 300 triệu USD/ngày, cũng sụt 100 lần, xuống còn 3 triệu USD.
Thậm chí, ở một số sàn nhỏ như XT, Biconomy, giá Pi hiện ở mức 4 USD, giảm 20 lần so với mức đỉnh 70 USD từng đặt được tại các sàn trên.
Đây là đồng Pi được các sàn tự niêm yết, không liên quan đến nhau, cũng không phải số Pi mà người dùng "đào" thông qua ứng dụng Pi Network trên điện thoại, do đó tiềm ẩn rủi ro với những người tham gia.
"Các sàn hiện không cho nạp và rút Pi, tức người dùng không thể chuyển số Pi từ điện thoại lên sàn được. Vì vậy nếu muốn sở hữu, người dùng buộc phải đăng ký tài khoản, nạp tiền vào sàn và mua Pi", Đức Nhật, nhà đầu tư tiền số lâu năm tại TP HCM, nhận định. Theo ông, người dùng vẫn có thể kiếm lời bằng cách đợi đồng này tăng giá trên sàn rồi quy đổi ra USDT. Tuy nhiên, với xu hướng giảm giá liên tục thời gian qua, người dùng nếu không nhanh nhạy sẽ dễ rơi vào tình trạng mất tiền.
Ngoài ra, giá của Pi do các sàn tự đặt, nên hoàn toàn bị thao túng bởi "cá mập" hoặc nhà phát triển, trong khi người dùng không thể kiểm soát được rủi ro này. "Nếu họ mua trong những ngày đầu tiên niêm yết, nay có thể đã lỗ hàng trăm USD mỗi Pi, chưa kể đến các chi phí giao dịch", ông Nhật nói.
Tranh cãi việc đưa Pi lên sàn
Việc đưa Pi ra trao đổi vốn là một phần trong lộ trình của dự án Pi Network. Tuy nhiên, mốc thời gian vẫn là ẩn số, bởi dự án nhiều lần khẳng định việc này chỉ diễn ra khi bước vào giai đoạn "mainnet mở". Trong khi đó, hơn một năm nay, Pi Network vẫn chỉ đang ở giai đoạn "mainnet kín", tức cho trao đổi hàng hóa bằng đồng Pi giữa những người sở hữu Pi đã được KYC.
Từ cuối tháng 12/2022, sàn Huobi nổ phát súng đầu tiên khi tuyên bố "xem xét niêm yết Pi, dựa trên những đề xuất từ cộng đồng". Dù khẳng định sẽ chờ Pi Network nâng cấp lên mainnet, chỉ ba ngày sau, Huobi bất ngờ niêm yết token mang tên Pi dù dự án không có gì mới. Hàng loạt sàn khác sau đó cũng làm điều tương tự.
Điều này khiến nhà phát triển dự án Pi Network phải lên tiếng hôm 31/12/2022, khẳng định không hợp tác hay ủy quyền cho bất cứ việc niêm yết nào, đồng thời cảnh báo nguy cơ người dùng có thể thiệt hại nếu đầu tư.
Một ngày sau đó, Justin Sun, chủ sàn Huobi, lên Twitter hỏi việc "niêm yết Pi có phải quyết định đúng hay không". Trong số hơn 25 nghìn lượt vote, 57,4% chọn đúng, Tuy nhiên bên dưới bài viết, phần lớn bình luận vẫn đánh giá việc làm của Huobi thực chất nhằm trục lợi cho sàn.
"Các ông đã niêm yết mà không có sự đồng ý của Pi Network. Điều này khiến các chỉ số như vốn hóa, nguồn cung không rõ ràng và bạn hoàn toàn có thể kiểm soát chúng theo ý mình, thậm chí đánh cắp thanh khoản", người dùng Nicky trên Twitter bình luận.
Trần Văn Phúc, quản trị viên một cộng đồng tiền số tại Việt Nam, đánh giá việc niêm yết Pi nói trên thực chất là chiêu hút người dùng của các sàn giao dịch, lợi dụng Pi Network được quan tâm. Ông cho rằng đây là hành động thiếu nghiêm túc và khuyên nhà đầu tư nên không nên nạp tiền lên các sàn này. "Sàn giao dịch là nơi để mọi người tin tưởng, gửi gắm tiền để giao dịch. Họ cần sự nghiêm túc trong mọi hành động. Tuy nhiên, các sàn trên lại tự tạo ra đồng Pi riêng để gây hiểu lầm và dụ dỗ người tham gia", ông Phúc đánh giá.
Trên các cộng đồng tại Việt Nam, việc niêm yết Pi "giả" cũng gây phản ứng trái chiều. Bên cạnh ý kiến rằng việc này vi phạm quy tắc của Pi Network, số khác coi đây là dịp để hút thêm thành viên đào Pi vào mạng lưới.
Ông Ngô Minh Hiếu, sáng lập dự án Chống lừa đảo, cho biết đã ghi nhận những trường hợp lợi dụng thông tin "Pi có giá hàng trăm USD trên sàn" để mời tham gia Pi Network, hoặc lừa người khác mua bán Pi của mình bằng tiền thật thông qua giao dịch ngầm. Do các giao dịch không được bảo vệ, theo ông Hiếu, người dùng có thể mất số Pi của mình hoặc nguy hiểm hơn là mất tiền mà không thể thu lại.
Ngày 11/1, những người đứng sau Pi Network tiếp tục cảnh báo, khuyên cộng đồng đào Pi không nên tương tác với bất kỳ sàn giao dịch nào nói trên, đồng thời cho biết đã yêu cầu các sàn xóa niêm yết Pi khi chưa được phép.
Pi Network là dự án ra đời từ năm 2019, được quảng cáo là giúp người dùng sở hữu tiền ảo Pi miễn phí, bằng cách vào ứng dụng trên điện thoại điểm danh mỗi ngày. Dự án khẳng định có 35 triệu người dùng toàn cầu. Đến giữa 2022, dự án bước vào giai đoạn "mạng kín", cho phép người sở hữu Pi đã xác minh danh tính có thể trao đổi hàng hóa với nhau. Tuy nhiên, việc mua bán bằng tiền ảo là vi phạm pháp luật Việt Nam. Trước khi bước vào giai đoạn mainnet mở, giá của đồng Pi hiện tại vẫn bằng 0.
Ý kiến ()