Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, hiện chưa rõ thời gian triển khai tiêm cho nhóm tuổi này, bởi cần thận trọng, khách quan trên cơ sở tham khảo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chương trình tiêm của các nước. "Chúng tôi sẽ triển khai tiêm ngay sau khi có khuyến cáo của WHO", vị này cho biết.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng cho hay hiện WHO chưa có bất kỳ khuyến cáo chính thức nào về tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tổ chức các hội thảo trưng cầu ý kiến về việc tiêm cho nhóm tuổi này, cùng WHO và các tổ chức liên quan.
Tiến sĩ Phạm Quang Thái (Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc) cho biết Bộ Y tế đang làm việc với nhà sản xuất để có vaccine cho nhóm tuổi này trong thời gian sớm nhất, song hãng chưa thông báo cụ thể thời gian cung cấp cho Việt Nam. Trước đó, Bộ Y tế đề xuất mua 21,9 triệu liều vaccine Pfizer, tiêm cho khoảng 11 triệu trẻ 5-11 tuổi, chấp nhận có thể thừa vaccine. Hồi tháng 12/2021, Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu phương án tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên. TP HCM cũng đã đề xuất Bộ Y tế cho phép tiêm chủng trẻ em 3-12 tuổi hồi cuối tháng 11/2021.
Theo tiến sĩ Thái, trẻ em mắc Covid-19 không diễn biến nặng như người lớn song có thể gặp các di chứng vĩnh viễn gây suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Trong khi đó, nhiều cuộc thử nghiệm vaccine đã chỉ ra trẻ em được đảm bảo an toàn khi tiêm do mức liều tiêm chỉ bằng một phần ba so với người lớn. Trẻ em 5-11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone, do đó ít xảy ra các phản ứng phụ sau tiêm.
Ngoài ra, tiêm chủng cho trẻ em giúp giảm nguy cơ lây truyền dịch trong cộng đồng. Đây là cơ sở để mở cửa trường học một cách an toàn trong thời gian tới. "Do đó trẻ em 5-11 tuổi nên được tiêm vaccine Covid-19 để chủ động bảo vệ sức khỏe và sớm trở lại cuộc sống bình thường", tiến sĩ Thái nói.
Ý kiến ()