Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:59 (GMT +7)
Tiêm vắc xin, cách duy nhất để phòng tránh bệnh dại
Thứ 5, 08/07/2021 | 09:59:03 [GMT +7] A A
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh, nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh số người đến tiêm phòng dại khá cao, năm nào cũng có người tử vong do bệnh dại.
6 tháng đầu năm 2021, thông qua Hệ thống quản lý, giám sát bệnh truyền nhiễm và giám sát dựa vào sự kiện (EBS) tại Quảng Ninh đã ghi nhận 16 trường hợp bị chó nghi dại cắn (phơi nhiễm) tại các huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà và TP Móng Cái. Các cơ sở y tế đã tiếp nhận 2.269 trường hợp tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau phơi nhiễm, tăng 4,3% với cùng kỳ năm 2020. Hiện 13/13 địa phương trong tỉnh đều có phòng tiêm chủng vắc xin với đầy đủ vắc-xin phòng bệnh dại; công tác tuyên truyền, tư vấn phòng, chống bệnh dại được đẩy mạnh.
Trong tháng 5/2021, Quảng Ninh tiếp tục ghi nhận 1 bé trai 8 tuổi ở xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) tử vong do dại. Mặc dù đã được tuyến y tế cơ sở tư vấn, nhưng do chủ quan nên gia đình đã không đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng dại. Cháu bé tử vong chỉ sau 1 ngày xuất hiện triệu chứng khởi phát đầu tiên.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Yến, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (CDC Quảng Ninh), cho biết: Bệnh dại có thời gian ủ bệnh từ 10 ngày đến trên 1 năm; trung bình từ 20-60 ngày. Với trường hợp bé trai tử vong ở huyện Đầm Hà, thời gian ủ bệnh là 2 tháng. Tùy thuộc vào số vết cắn, vị trí cắn gần thần kinh trung ương, gần mạng lưới thần kinh (đầu, mặt, cổ, bàn tay, bộ phận sinh dục), thì thời kỳ ủ bệnh sẽ ngắn hơn.
Bệnh khởi phát với các triệu chứng ban đầu: Sốt, sợ hãi, đau đầu, mệt mỏi, khó chịu... Giai đoạn phát bệnh dại xuất hiện với các biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích, như kích động, sợ ánh sáng, tiếng động và gió (thể dại điên cuồng) hoặc các triệu chứng liệt (thể dại liệt). Bệnh nhân có thể kèm theo các rối loạn, như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp..., tiến tới hôn mê và thường tử vong sau 7-10 ngày.
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại Rhabdoviridae gây ra, lây truyền qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại, thường là chó, mèo. Virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc với dịch tiết, chất tiết của bệnh nhân mắc bệnh dại. Bệnh dại không thể cứu được khi đã phát bệnh, tỷ lệ tử vong là 100%. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không đắp thuốc lá, không tự chữa, không nhờ thầy lang bốc thuốc để chữa bệnh dại.
Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Khi bị chó, mèo cắn, mọi người cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường, cồn, rượu, dầu gội, bột giặt,.... Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để phòng, chống bệnh dại.
Sau khi xử trí vết thương do chó, mèo cắn, mọi người cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Bệnh dại chưa có thuốc chữa đặc hiệu, nên tiêm vắc xin phòng dại hiện vẫn là biện pháp duy nhất và hiệu quả để phòng, chống bệnh dại cho người bị chó, mèo cắn.
Không chủ quan với việc bị chó cắn, anh Nguyễn Việt Khánh (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) đưa con trai 7 tuổi đến Phòng tiêm chủng vắc xin Safpo (CDC Quảng Ninh) để bác sĩ tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại. Anh Khánh cho biết: Khi sang nhà hàng xóm chơi, con của anh không may bị chó cắn vào chân, chảy máu. Để phòng ngừa, anh đã rửa vết cắn bằng xà phòng, rồi đưa con trai đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho an toàn.
Để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm là phác đồ 5 mũi vắc xin phòng dại tiêm vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28 (0 là ngày đầu tiêm vắc xin, 3 là 3 ngày sau tiêm mũi thứ 2..., tiêm càng sớm sau khi bị động vật cắn càng tốt). Ngoài ra, tùy theo mức độ vết thương, cần phối hợp tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng uốn ván để cơ thể được bảo vệ tốt nhất. Nếu người bị chó, mèo nghi dại cắn đã được tiêm dự phòng trước phơi nhiễm (3 mũi vắc xin) sẽ không cần tiêm huyết thanh kháng dại, chỉ cần tiêm vắc xin phòng dại 2 mũi vào ngày 0 và 3 đã có thể bảo vệ cơ thể với virus dại.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Yến cho biết thêm: Hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, vắc xin phòng dại thế hệ mới được chiết xuất từ tế bào vero tinh khiết, với quy trình sản xuất chặt chẽ, chất lượng vắc xin tốt hơn, không có những tác dụng phụ lên hệ thần kinh như vắc xin cũ. Do đó mọi người hoàn toàn yên tâm và không phải lo lắng về tác dụng phụ của vắc xin như mọi người đã quan niệm trước đây.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()