Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:53 (GMT +7)
Tiêm vắc-xin COVID-19 cho người trên 65 tuổi cần lưu ý gì?
Thứ 3, 20/07/2021 | 10:52:17 [GMT +7] A A
Trong đợt tiêm vắc-xin COVID-19 lần 5 tại TPHCM, người trên 65 tuổi nằm trong nhóm được ưu tiên tiêm đợt này. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lưu ý, người tiêm cần có chỉ định của bác sĩ và phải được thực hiện tại cơ sở y tế có năng lực, điều kiện xử trí tốt.
Theo BS Trương Hữu Khanh - cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, người cao tuổi, có bệnh lý nền càng cần phải tiêm phòng vắc-xin COVID-19. Tác dụng phụ của vắc-xin phụ thuộc vào việc cơ địa của người đó có bị dị ứng hay không, hoàn toàn không liên quan đến yếu tố sức khỏe đang mạnh hay yếu.
"Tất nhiên vẫn có những trường hợp mắc bệnh cấp tính như sốt siêu vi... thì cần cân nhắc, có thể đợi hết bệnh rồi tiêm. Còn nếu mắc bệnh mãn tính, được điều trị ổn định thì không liên quan gì đến việc tiêm vắc-xin COVID-19 có gặp tác dụng phụ hay không. Chưa kể, vắc-xin COVID-19 được nghiên cứu để ưu tiên cho đối tượng nguy cơ của căn bệnh này là người cao tuổi, có bệnh nền” – BS Khanh cho biết.
Tiêm vắc-xin COVID-19 tại sân vận động Phú Thọ (ảnh: HCDC) |
Cũng theo BS Trương Hữu Khanh, không có chuyện người thể trạng yếu thì chích sẽ bị "hành" nhiều, có người to khỏe cũng bị. Không có chuyện người đang bị bệnh nền ổn định thì chích vô sẽ ảnh hưởng bệnh nền, người bệnh nền càng nên chích ngừa vì người bệnh nền mắc COVID-19 rất dễ biến chứng nặng.
Theo bác sĩ Khanh với những người có các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, đặt sten, viêm gan B,C, thiếu máu tán huyết, rối loạn tiền đình… nếu đang được điều trị với tình trạng sức khỏe ổn định thì lại càng nên chích. Tuy nhiên, các trường hợp này cần thận trong tiêm chủng, tức phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ khả năng hồi sức cấp cứu ban đầu.
Còn BS Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cho rằng, bệnh nhân ung thư cần được tiêm vắc-xin COVID-19 ngay, không nên chần chừ, e ngại. Theo BS Vũ, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy bệnh nhân ung thư vẫn an toàn với vắc-xin, không gặp tác dụng phụ nhiều hơn so với người bình thường; bên cạnh đó, đây là nhóm bệnh nhân dễ bị tổn thương nhất khi bị COVID-19 tấn công. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư cho dù đang điều trị vẫn có đáp ứng miễn dịch với vắc-xin, mặc dù chậm và ít hơn so với người bình thường nhưng vẫn có và giúp bảo vệ người bệnh.
Theo các chuyên gia khuyến cáo, chỉ những người dị ứng phản ứng mức độ 2 (phù mặt, nôn ói đau bụng dữ dội, phải tiêm adrenalin) với tất cả các thứ (thức ăn, thuốc…); người đang bị ung thư giai đoạn cuối; người đang xơ gan giai đoạn cuối... mới không nên tiêm vắc-xin COVID-19.
Người dân cần hợp tác khai báo y tế, giữ khoảng cách, bình tĩnh, không uống cà phê nhiều, thư giãn trước khi khám sàng lọc. Trong khoảng thời gian chờ đợi 30 phút sau tiêm cần giữ khoảng cách an toàn, tâm lý thoải mái, không nên quá lo lắng và báo bác sĩ ngay nếu nổi mề đay, tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều... Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần tự theo dõi diễn biến sức khỏe của mình và báo cho cơ quan y tế gần nhất khi có những biểu hiện bất thường.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()