Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 15:58 (GMT +7)
Tiêm chủng ở Châu Âu chuyển biến tích cực
Thứ 3, 11/05/2021 | 09:40:34 [GMT +7] A A
Đang có những tín hiệu tích cực về tiêm chủng ở Liên minh Châu Âu (EU). Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang nỗ lực huy động cựu quân y tham gia giúp đất nước chống khủng hoảng COVID-19.
Một trung tâm tiêm chủng COVID-19 ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP |
Tiêm chủng tăng nhanh ở EU
Tiêm chủng đang tăng nhanh ở Liên minh Châu Âu (EU). Trung bình trong tuần qua, gần 3 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm mỗi ngày ở nhóm 27 quốc gia, theo Our World in Data, cơ sở dữ liệu của Đại học Oxford. Xét theo dân số, tỉ lệ này gần tương đương với số mũi tiêm hằng ngày ở Mỹ, nơi nhu cầu đang giảm.
Chiến dịch tiêm chủng của Liên minh Châu Âu vốn có khởi đầu chậm do nguồn cung vaccine AstraZeneca và Johnson & Johnson bị gián đoạn. Tháng trước, khối đã chuyển hướng tập trung nhiều hơn vào vaccine Pfizer-BioNTech. Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban Châu Âu - cho biết, đã đạt được thỏa thuận với Pfizer về đủ lượng vaccine để EU đạt mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 cho 70% người trưởng thành trong khối vào cuối mùa hè.
EU cũng sắp công bố một thỏa thuận với Pfizer và đối tác BioNTech của Đức cho năm 2022 và 2023 với 1,8 tỉ liều vaccine.
Theo New York Times, sự gia tăng tiêm chủng của EU nêu bật chênh lệch toàn cầu trong nỗ lực tiêm chủng. Khoảng 83% liều vaccine COVID-19 đã được tiêm ở các nước có thu nhập cao và trên trung bình, trong khi chỉ có 0,3% số liều vaccine được tiêm ở các nước thu nhập thấp.
Ở Bắc Mỹ, hơn 30% người dân được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, ở Châu Âu con số này là gần 24% trong khi ở Châu Phi chỉ hơn 1%, theo Our World in Data. Tại Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hơn 152,1 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi gần 114,3 triệu người được tiêm chủng đầy đủ tính đến 9.5.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu virus hoành hành ở hầu hết thế giới, nhất là những nơi chưa được tiêm vaccine bảo vệ, thì các biến thể nguy hiểm sẽ tiếp tục phát triển và lây lan, đe dọa tất cả các quốc gia.
Tuần trước, chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố ủng hộ từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19 - động thái cần sự phê duyệt của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Kể cả khi WTO đồng ý, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, các hãng dược khắp thế giới sẽ cần sự trợ giúp về công nghệ để sản xuất vaccine cũng như thời gian để tăng cường sản xuất.
Các nhà lãnh đạo Châu Âu như bà Von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu quan điểm rằng, ông Joe Biden nên thực hiện một giải pháp khác: Dỡ các hạn chế xuất khẩu với vaccine, cách tiếp cận mà Mỹ áp đụng để đảm bảo vaccine cho nhu cầu trong nước.
Tiến sĩ Thomas Tsai, giáo sư nghiên cứu chính sách y tế tại Đại học Harvard, Mỹ, nhận định, từ bỏ các bằng sáng chế với vaccine COVID-19 là một bước tiến lớn và lâu dài, nhưng việc dỡ bỏ các lệnh cấm xuất khẩu sẽ mang lại sự trợ giúp sớm hơn. Ông cho rằng, cần phải hướng tới một chiến lược toàn diện hơn trong tiêm chủng toàn cầu, trong đó nhân loại cần dạng cam kết, khoản đầu tư tương tự như chiến dịch vaccine Thần tốc (Warp Speed) của Mỹ.
Ấn Độ huy động cựu quân y chống COVID-19
Ngày 9.5, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo sẽ tuyển hàng trăm cựu nhân viên quân y để hỗ trợ hệ thống y tế quá tải của đất nước. Khoảng 400 cựu quân y dự kiến sẽ phục vụ theo hợp đồng trong thời hạn tối đa 11 tháng. Các bác sĩ quân y của Ấn Độ cũng dự kiến đảm nhận vai trò tham vấn trực tuyến.
Thông tin được công bố trong bối cảnh số ca lây nhiễm và tử vong do COVID-19 cao kỷ lục. Số ca COVID-19 mới và số ca tử vong ở Ấn Độ tăng mạnh, trong đó số người chết đã tăng hơn 4.000 người một ngày trong ngày thứ 2 liên tiếp tính đến 9.5.
Nhiều bang của Ấn Độ đã áp đặt chế độ phong tỏa nghiêm ngặt trong tháng qua, những bang còn lại thông báo hạn chế di chuyển tới nơi công cộng, đóng cửa các rạp chiếu phim, nhà hàng, quán rượu và trung tâm mua sắm.
Sức ép về phong tỏa ngừa COVID-19 toàn quốc cũng tăng với giới chức Ấn Độ. Hiệp hội Y khoa Ấn Độ (IMA), cơ quan bảo trợ cho tất cả các bác sĩ và bác sĩ phẫu thuật thông thường, kêu gọi phong tỏa "hoàn toàn, lên kế hoạch tốt, được thông báo trước" thay vì lệnh giới nghiêm ban đêm "lẻ tẻ" và các hạn chế do các bang áp đặt trong vài ngày.
Theo dữ liệu từ cổng thông tin Co-WIN của chính phủ Ấn Độ, quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 34,3 triệu người, tức 2,5% trong tổng số 1,35 tỉ dân tính đến ngày 9.5.
Sự hỗ trợ đã đổ về Ấn Độ từ khắp thế giới với bình ôxy, máy thở và các thiết bị y tế khác. Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn hàng đầu của chính quyền ông Joe Biden về COVID-19 nói hôm 9.5 rằng, Mỹ và các quốc gia khác, cũng như các nhà sản xuất vaccine đặc biệt cần giúp giải quyết khủng hoảng COVID-19 hiện tại ở Ấn Độ. Tiến sĩ Fauci chỉ ra, các nước cần giúp Ấn Độ tự sản xuất vaccine hoặc tài trợ vaccine cho Ấn Độ để nước này có thể có được hàng trăm triệu liều vaccine. Nhà dịch tễ học hàng đầu của Mỹ cũng kêu gọi giới chức Ấn Độ triển khai phong tỏa ngăn ngừa COVID-19 để ngắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()