4
18
/
1100367
Tiêm chủng an toàn
longform

Với phương châm “Đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”, khi đối diện với cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra nhiều phương châm, giải pháp hiệu quả. Trong đó, tiêm vắc xin phòng Covid-19, tiến tới “phủ sóng” vắc xin toàn dân là một trong những chiến lược được đặt ra từ sớm và được tỉnh chủ động thực hiện bằng những quyết sách, hành động cụ thể, quyết liệt. Gần 1 năm qua, kể từ những mũi tiêm phòng đầu tiên dành cho lực lượng tuyến đầu, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có trên 1 triệu người được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn.

Bước sang năm 2021, dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp ở trong nước và trên thế giới. Cuối tháng 1/2021, Quảng Ninh đã ghi nhận 50 ca dương tính trong cộng đồng do biến thể mới của virus. Bằng sự quyết liệt, sâu sát, cụ thể, chủ động, tích cực, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, hệ thống y tế, các lực lượng vũ trang cùng những kinh nghiệm quý báu sau một năm bền bỉ không mệt mỏi “Chống dịch như chống giặc”, Quảng Ninh đã ngăn chặn được đà lây lan nhanh của dịch bệnh. Tuy nhiên, tỉnh cũng xác định càng ngày tình hình dịch bệnh càng diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy, cần phải có những giải pháp ứng phó có hiệu quả, trong đó, việc thực hiện nguyên tắc “5K+vắc xin” là vô cùng quan trọng.

Xác định tầm quan trọng đó, tháng 2/2021, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 326/NQ-HĐND ngày 8/2/2021 quyết định dành tối thiểu 500 tỷ đồng cùng với các nguồn lực hợp pháp để sẵn sàng cho việc mua vắc xin phòng ngừa Covid-19 và triển khai tiêm phòng cho toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Quảng Ninh dành 500 tỷ đồng mua vắc xin phòng ngừa Covid-19 và triển khai tiêm phòng cho toàn dân trên địa bàn tỉnh

Để có được nguồn kinh phí 500 tỷ đồng này, tỉnh thực hiện rà soát điều chỉnh các nhiệm vụ chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển để tăng dự phòng ngân sách lên mức tối đa 4% trên tổng chi ngân sách địa phương nhằm tạo nguồn lực dự phòng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh khác. Đồng thời, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngân sách các cấp, hạn chế mua sắm tài sản, cắt giảm chi phí hội họp, đào tạo, tham quan học tập, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết để dành toàn bộ nguồn lực này kết hợp với các nguồn lực hợp pháp khác, để báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép Quảng Ninh được mua vắc xin tiêm phòng trong toàn dân. Quyết sách ra đời đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân được tiếp cận với vắc xin nhằm bảo vệ tốt sức khỏe; đồng thời góp phần kêu gọi và động viên toàn thể nhân dân trong tỉnh chung tay quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, sớm ổn định đời sống, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

TP Hạ Long tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 cho người dân phường Hà Phong.

Từ thành công của các đợt tiêm chủng cho các lực lượng tuyến đầu, cư dân biên giới, công nhân lao động trong các khu công nghiệp... mà tỉnh đã thực hiện trong các tháng đầu năm; đồng thời tận dụng “thời điểm vàng” khi vừa là địa bàn an toàn, có được sự thống nhất, đồng thuận, ủng hộ cao của nhân dân, vừa có được nguồn vắc xin đáp ứng việc tổ chức tiêm diện rộng toàn dân, Quảng Ninh đã nhanh chóng tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 diện rộng ở tất cả các địa phương vào tháng 8, tháng 9/2021; tiêm mũi 2 vào tháng 10,11/2021.

Điều đặc biệt là, tiến độ tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu đặt ra, đảm bảo an toàn, hiệu quả, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện tiêm chủng diện rộng. Quá trình tổ chức tiêm nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất cao của nhân dân. Từ hải đảo đến biên giới, thành thị đến nông thôn, người dân Quảng Ninh ở đâu được thông báo đều đến điểm tiêm chủng đúng thời gian, tuân thủ quy trình phòng dịch; không phản đối, không lựa chọn vắc xin. “Nghị quyết vắc xin” đã đến được với tất cả những người đang sống, làm việc, cư trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh một cách nhanh chóng, hiệu quả, an toàn.

Điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức tại Nhà sinh hoạt công nhân mỏ (Công ty CP Than Vàng Danh) đầu tháng 9/2021.

Trong cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy ngày 6/12 vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã giao Ngành Y tế xây dựng ngay kế hoạch tiêm mũi tăng cường thứ 3 cho những người đủ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong quý I/2022. Như vậy, lời hứa trước nhân dân “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, để nhân dân mạnh khỏe, hạnh phúc, được sống trong vùng xanh an toàn đã được những người đứng đầu tỉnh thực hiện chu đáo, trọn vẹn.

Bắt đầu từ tháng 8/2021, tỉnh đã thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế. Trên cơ sở tham mưu của ngành Y tế, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2542/QĐ-UBND ngày 4/8/2021 kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 năm 2021-2022 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là phòng, chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đảm bảo công bằng, có vắc xin đến đâu tiêm đến đấy, tuyệt đối an toàn, sớm đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong cộng đồng; phấn đấu đến hết năm 2021 hoặc chậm nhất quý I năm 2022 có trên 80% người dân Quảng Ninh đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19.

CDC Quảng Ninh đưa vào vận hành xe chuyên dụng phục vụ tiêm chủng lưu động.

Theo thống kê, Quảng Ninh có trên 1,1 triệu người dân toàn tỉnh thuộc đối tượng tiêm chủng, cụ thể: Đối tượng 18 tuổi trở lên là 1.021.596 người; đối tượng từ 12-17 tuổi là 121.596 người. Để sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng diễn ra được an toàn, ngành Y tế Quảng Ninh đã có những bước chuẩn bị chu đáo; xây dựng chi tiết kế hoạch triển khai từng đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Ngành Y tế tỉnh đã phối hợp rà soát, tổng hợp đối tượng tiêm chủng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, các quy định của Bộ Y tế và của tỉnh; thành lập Ban Chỉ đạo tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của ngành Y tế để chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, giám sát các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện tiêm chủng, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Công tác sàng lọc trước tiêm được thực hiện đúng quy trình tại điểm tiêm Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Công tác tập huấn tiêm chủng được ngành Y tế tỉnh tổ chức thực hiện nhiều đợt cho 3.600 người; trong đó có 1.468 cán bộ làm công tác tiêm chủng thường xuyên trên toàn tỉnh. Đây là nội dung quan trọng nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ năng cho nhân viên y tế về tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Nội dung tập huấn tập trung vào việc an toàn tiêm chủng, tổ chức tiêm chủng, như khám sàng lọc trước tiêm, kỹ thuật tiêm, theo dõi và xử trí sau tiêm, cập nhật thông tin tiêm chủng vào phần mềm quản lý tiêm chủng…

Điều dưỡng Phạm Thị Nghĩa, Trạm Y tế phường Hoành Bồ, TP Hạ Long, đã có gần 10 năm kinh nghiệm tiêm vắc xin cho người dân trên địa bàn, chia sẻ: Dù đã nắm rõ cách thức tổ chức buổi tiêm chủng nhưng chúng tôi xác định phải nhanh chóng nắm chắc các thông tin quy định về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 bởi đây đều là những loại vắc xin mới. Qua đó, chuẩn bị kỹ lưỡng các quy trình trước, trong và sau tiêm chủng như khám sàng lọc, các chỉ định tiêm vắc xin phòng Covid-19, liều lượng, lịch tiêm, bảo quản, các phản ứng sau tiêm... nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người được tiêm phòng.

Việc theo dõi sau tiêm được thực hiện nghiêm túc đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Cùng với đó, Sở cũng tập trung rà soát, đánh giá hệ thống dây truyền lạnh, trang thiết bị để chuẩn bị cho việc tiếp nhận, bảo quản vắc xin phù hợp; hoàn thiện các quy trình triển khai tiêm chủng, rà soát các quy trình triển khai, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác tiêm chủng; quản lý dữ liệu tiêm chủng, chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị triển khai áp dụng phần mềm Hồ sơ sức khoẻ điện tử, hướng dẫn các điểm tiêm chủng cập nhật danh sách và quản lý mũi tiêm trên phần mềm Hồ sơ sức khoẻ điện tử và phần mềm tiêm chủng…

Triển khai các chiến dịch tiêm vắc xin toàn dân, toàn tỉnh đã thành lập 550 đội tiêm chủng (tương đương với 550 bàn tiêm); 195 điểm tiêm chủng ở 13 huyện, thị xã, thành phố. Để đảm bảo công tác tiêm chủng nhanh chóng, thuận lợi hơn, ngành Y tế tỉnh tăng cường mỗi bàn tiêm 2 bác sĩ khám sàng lọc (thay vì 1 người theo quy định của Bộ Y tế). Ngoài ra, còn huy động thêm nhân lực từ các đơn vị y tế tư nhân, y tế ngành Than đóng trên địa bàn tham gia (Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Hạ Long; TTYT than Mạo Khê và các đơn vị y tế ngành than).

Tập huấn cho đội tiêm và tổ cấp cứu xử trí tai biến nặng sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Toàn tỉnh cũng thành lập 80 đội cấp cứu tiêm chủng chuyên ngành hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu, nội khoa, để hỗ trợ công tác tiêm chủng diện rộng trên toàn tỉnh. Theo đó, tại mỗi điểm tiêm chủng đều được bố trí 1 đội cấp cứu lưu động thường trực 24/24 giờ, 1 ô tô vận chuyển cấp cứu các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm đến cơ sở điều trị. Đối với các trường hợp có bệnh lý nền nặng, người cao tuổi có sức khỏe yếu, đối tượng phải giãn, hoãn tiêm chủng, các đơn vị y tế địa phương tổng hợp danh sách chuyển đến tiêm tại cơ sở y tế có giường bệnh để đảm bảo an toàn cho người dân.

Căn cứ số lượng phân bổ vắc-xin từng đợt, ngành Y tế đã chủ động phối hợp với các địa phương bố trí điều động các đội tiêm, đội cấp cứu phù hợp cho các điểm tiêm, bàn tiêm với hình thức tiêm “cuốn chiếu”, “tiêm đến đâu an toàn đến đó” để tiết kiệm nguồn nhân lực và tổ chức tiêm gọn theo từng địa phương. Theo đó, Sở Y tế điều động các đội cấp cứu, tiêm chủng, phương tiện cấp cứu từ các đơn vị đã hoàn thành tiêm chủng để hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo an toàn, tiến độ đề ra. Có thời điểm, các đơn vị y tế trên toàn tỉnh đã huy động cùng lúc trên 3.500 cán bộ, nhân viên phục vụ công tác tiêm chủng, chiếm gần 50% số nhân lực toàn ngành; đồng thời vẫn đảm bảo công việc giám sát, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, các công việc dự phòng khác và điều trị bệnh nhân tại cơ sở điều trị.

Ghi nhận tại các điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 vừa qua trên địa bàn tỉnh cho thấy, công tác phân luồng, giãn cách được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Ngay từ cổng vào, lực lượng công an, tình nguyện viên hướng dẫn người dân xếp hàng, đo thân nhiệt, khai báo y tế trước khi vào khu vực tiêm chủng theo một chiều.

Địa điểm tiêm chủng cố định và lưu động tại bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, trường học, nhà thi đấu thể thao… đảm bảo đủ các điều kiện tổ chức tiêm chủng và cấp cứu cho các đối tượng sau tiêm. Mỗi điểm tiêm chủng được bố trí theo các phân khu, như: Bàn đón tiếp hướng dẫn, khu vực chờ trước khi tiêm, bàn khám sàng lọc và tư vấn trước khi tiêm, bàn tiêm, bàn ghi chép vào sổ tiêm và khu vực xử lý sau tiêm phù hợp với quy trình, các bước thực hiện tiêm chủng theo quy định. Đặc biệt, người dân chấp hành tốt khuyến cáo 5K trong suốt quá trình tham gia tiêm chủng. Để bảo đảm nghiêm ngặt quy trình tiêm chủng, kịp thời ứng phó với tình huống phát sinh, ngành Y tế đã chỉ đạo bố trí khu vực hồi sức đầy đủ trang thiết bị cùng cán bộ chuyên môn, sẵn sàng phương tiện cấp cứu để chuyển tuyến khi cần thiết.

Người cao tuổi tại phường Bạch Đằng, TP Hạ Long nhận chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Đặc biệt là để bảo đảm giãn cách, an toàn khi tiêm chủng, các địa phương đã chủ động phát thông tin mời người dân tham gia tiêm theo các múi giờ lệch nhau. Có mặt đúng giờ, đúng địa điểm tiêm, ông Bùi Văn Thúy (83 tuổi) cùng vợ ở khu 1, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long có mặt tại điểm tiêm Trường THCS Lê Văn Tám, TP Hạ Long. Dù cao tuổi, có các bệnh nền như huyết áp cao, tiểu đường nhưng hôm nay cả 2 ông bà đều đảm bảo sức khỏe để có thể tiêm được vắc xin phòng Covid-19. Ông Thúy phấn khởi chia sẻ: “Tôi thường xuyên theo dõi thông tin và biết người cao tuổi đặc biệt là người có bệnh nền là đối tượng có nguy cơ cao trở nặng nếu mắc Covid-19. Tôi mong muốn được tiêm vắc xin phòng bệnh nên khi đủ điều kiện được tiêm tôi rất mừng và yên tâm hơn. Tôi rất cảm ơn các y, bác sĩ cùng các cấp, các ngành đã luôn quan tâm, chăm lo đến sức khỏe của nhân dân”.

Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho phụ nữ mang thai và cho con bú trên địa bàn TP Hạ Long.

Đang mang thai 36 tuần, chị Đoàn Phương Nhi, thường trú tại khu 2B, phường Cao Xanh, TP Hạ Long, đủ điều kiện để tiêm vắc xin phòng Covid-19, chia sẻ: Cách đây 2 năm, tôi cùng chồng ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đến TP Hạ Long mở cửa hàng nhỏ để kinh doanh buôn bán điện thoại. Gia đình tôi rất tự hào khi đã lựa chọn lập nghiệp trên mảnh đất Quảng Ninh nghĩa tình, đã quan tâm tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho mọi người dân đang làm việc, sinh sống trên địa bàn”.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long.

Trong chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 diện rộng, mặc dù Quảng Ninh không phải là địa phương nằm trong địa bàn ưu tiên vắc xin nhưng khi có bất cứ loại vắc xin được Bộ Y tế phân bổ và thông qua các hoạt động ngoại giao, tỉnh Quảng Ninh đều tiếp nhận để có đủ nguồn vắc xin tiêm chủng cho toàn dân. Và khi triển khai tiêm bất cứ loại vắc xin nào do các hãng sản xuất cũng nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Kết quả này đạt được có phần đáng kể từ sự nhận thức đúng đắn của người dân về vai trò của vắc xin trong việc phòng ngừa lây nhiễm Covid-19. Dù từng có những lo lắng, kể cả sự thiếu hợp tác của một số ít người dân về vắc xin phòng Covid-19, nhưng qua công tác tuyên truyền rất chủ động, kịp thời và đa dạng hình thức của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò rất quan trọng của các cơ quan truyền thông, sự tin tưởng của người dân vào hiệu quả phòng ngừa Covid-19 của vắc xin đã được nâng cao. Từ đó, sự hợp tác của người dân được thể hiện rất rõ nét và hầu hết mọi người đều trông đợi được tiêm; không có tâm lý lựa chọn vắc-xin.

Tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 của Quảng Ninh đạt mức cao nhất cả nước.

Đến nay, tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 của tỉnh đạt trên 96%. Đây là nền tảng để ngành Y tế tham mưu cho tỉnh điều chỉnh linh hoạt, phù hợp các chiến lược phòng, chống dịch khi chuyển sang giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo chỉ đạo của Chính phủ. Đặc biệt với tỷ lệ tiêm chủng cao, ngành Y tế tỉnh đã mạnh dạn áp dụng các giải pháp chuyên môn phòng, chống dịch chưa có trong tiền lệ như cách ly F1, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà; điều trị F0 tại cơ sở lưu trú do địa phương quản lý; phân tầng điều trị, thiết lập Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng; xét nghiệm tầm soát diện rộng; đưa 4 loại thuốc vào điều trị F0… Các đơn vị khám, chữa bệnh vừa điều trị bệnh nhân thông thường (luồng xanh) vừa điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 (luồng đỏ).

Qua thực tiễn cũng cho thấy, sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, nếu người dân tuân thủ việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khai báo y tế, quét mã y tế QR-Code thì người dân Quảng Ninh hoàn toàn có thể chiến thắng dịch Covid-19.

- Tổng đợt tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 đến nay: 20 đợt.
- Lũy tích vắc xin đã tiêm: 2.160.497 mũi (trong đó mũi 1 là 1.102.583; mũi 2 là 1.057.914).
- Lũy tích người được tiêm: 1.102.583 người (trong đó tiêm 1 mũi: 44.669 người; tiêm 2 mũi: 1.057.914 người).


Thực hiện: Hoàng Quý - Nguyễn Hoa

Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang