Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:05 (GMT +7)
Tích cực tham gia hoạt động xã hội, kết nối gia đình giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ
Chủ nhật, 15/12/2024 | 10:13:46 [GMT +7] A A
Theo các chuyên gia, trầm cảm sớm là một yếu tố nguy cơ làm tăng gấp 2 lần nguy cơ sa sút trí tuệ, và những người hút thuốc có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn 30% người bình thường.
Sa sút trí tuệ do mắc Alzheimer dễ bị bỏ qua
Chia sẻ về bệnh lý Alzheimer, TS Nguyễn Thị Phương Mai - trưởng phòng sức khỏe tâm thần người cao tuổi và y học giấc ngủ, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) - nói Alzheimer là bệnh lý tâm thần phổ biến ở người cao tuổi.
"Đây là nguyên nhân hàng đầu gây sa sút trí tuệ, hậu quả của quá trình thoái hóa dẫn đến chết tế bào thần kinh.
Bệnh có đặc trưng bởi sự suy giảm nhiều chức năng cao cấp của vỏ não (trí nhớ, tư duy, định hướng, chú ý, năng lực học tập, ngôn ngữ và khả năng phán đoán) mà không có rối loạn ý thức, gây suy giảm, trở ngại đáng kể đến các hoạt động nghề nghiệp, xã hội và các hoạt động sống hằng ngày của người bệnh", TS Mai nêu.
Theo TS Mai, rối loạn trí nhớ là triệu chứng đặc trưng của Alzheimer, nhưng các triệu chứng khác có thể xuất hiện sớm hơn. Sa sút trí tuệ cũng là nguyên nhân tử vong đứng thứ 7 và là nguyên nhân gây ra tình trạng khuyết tật và phụ thuộc hàng đầu ở người cao tuổi trên toàn cầu
"Tại Việt Nam, tuổi thọ trung bình năm 2023 là 74,5 tuổi và dân số đang có xu hướng già hóa. Hiện tại có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi ở Việt Nam mắc sa sút trí tuệ, chiếm 5% dân số ở độ tuổi này.
Tỉ lệ người bệnh gặp các triệu chứng suy giảm nhận thức của sa sút trí tuệ (chưa đủ để chẩn đoán sa sút trí tuệ) ở Việt Nam khá cao, chiếm 14-46% người trên 60 tuổi.
Bệnh Alzheimer thường khởi phát âm thầm, khiến nhiều người không nhận ra mình đang mắc phải, hoặc nhầm lẫn những dấu hiệu quên nhớ với quá trình lão hóa tự nhiên.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể gặp đôi chút khó khăn trong việc tự quản lý cuộc sống của mình, nhưng họ thường vẫn có thể sống độc lập.
Tuy nhiên theo thời gian, trí nhớ sẽ suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày, để lại gánh nặng cho người chăm sóc, gia đình và xã hội", TS Mai cho hay.
Hút thuốc lá, trầm cảm làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ
ThS Nguyễn Văn Hải - phòng M8, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết sớm Alzheimer như bệnh nhân thấy khó khăn trong việc nhớ các sự kiện mới xảy ra, quên những việc vừa làm, hỏi đi hỏi lại cùng một thông tin;
Quên các từ ngữ hoặc tên gọi quen thuộc, quên vị trí để chìa khóa, mắt kính hoặc các vật dụng thường ngày, quên tắt bếp khi nấu ăn, giảm tập trung, chú ý, giảm vốn từ, giảm sự lưu loát khi nói và viết…
"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến Alzheimer như tuổi tác, do gene, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, lười vận động, cô lập xã hội, ô nhiễm không khí, trầm cảm và tuổi tác là những yếu tố nguy cơ cao gây bệnh Alzheimer.
Người mắc Alzheimer cũng tăng đáng kể theo tuổi: Tỉ lệ mắc ở độ tuổi 65 -74 chiếm 5%, từ 75-84 chiếm 13,1% và tăng lên 33,3% ở những người từ 85 tuổi trở lên", ThS Hải cho hay.
Theo TS Mai, phụ nữ có nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn nam giới, tuy nhiên nguyên nhân cụ thể vẫn chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã tìm thấy hơn 70 gene có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer.
Các đột biến gene APP, PS1, PS2 chiếm 50% các trường hợp bệnh Alzheimer khởi phát sớm (trước 65 tuổi) có tính chất gia đình.
"Tuy nhiên, một người có tiền sử gia đình mắc Alzheimer không có nghĩa là người đó sẽ mắc Alzheimer", TS Mai nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho hay trầm cảm sớm là một yếu tố nguy cơ làm tăng gấp 2 lần nguy cơ sa sút trí tuệ do tất cả nguyên nhân. Bên cạnh đó, trầm cảm có thể là triệu chứng sớm của sa sút trí tuệ.
TS Mai cho biết thêm theo WHO, gần 14% trường hợp mắc Alzheimer trên toàn thế giới có khả năng là do hút thuốc. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn 30% và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 40%, hút thuốc càng nhiều thì nguy cơ càng cao.
Làm gì để phòng bệnh?
Theo ThS Hải, trầm cảm sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh, vì vậy các chuyên gia khuyến khích mọi người tích cực tham gia các hoạt động xã hội, duy trì mối quan hệ với gia đình bạn bè, tăng sự tương tác giữa các cá nhân trong gia đình.
Ngoài ra, nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet năm 2020 đã chỉ ra trình độ học vấn cao có thể làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ đến 7%. Lợi ích của việc học tập có thể làm tăng "dự trữ nhận thức" giúp cơ thể đối phó với những tác hại của bệnh Alzheimer
"Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt các bệnh lý cơ thể: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, giảm thính lực… Chế độ dinh dưỡng hợp lý, duy trì chế độ ăn ít chất béo bão hòa (nội tạng động vật), giàu chất xơ, rau xanh, trái cây tươi.
Một số thành phần chế độ ăn uống cần thiết để bảo vệ thần kinh như chất chống oxy hóa (vitamin E và C); vitamin B6, B12, Folate. Hạn chế lượng tiêu thụ đường và muối (ăn không quá 6g/ngày), tránh sử dụng nhiều rượu, bia.
Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe. Ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá. Tránh chấn thương vùng đầu, đặc biệt là té ngã ở người cao tuổi.
Tăng cường các hoạt động nhận thức như học tập liên tục, đọc sách báo, tính toán, trò chơi giải ô chữ..
Chăm sóc sức khỏe tâm thần giữ tinh thần lạc quan, hạn chế stress, căng thẳng, duy trì tốt các mối quan hệ xã hội (tham gia các nhóm hoặc CLB, duy trì liên lạc với gia đình bạn bè, tham gia các hoạt động tình nguyện", ThS Hải khuyến cáo.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()