Tất cả chuyên mục

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, đến 7 giờ ngày hôm nay (19-8) vị trí trung tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,5 độ vĩ Bắc, 107,6 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hoá khoảng 100km về phía Đông; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12-14. Theo hướng di chuyển bão, rất nhiều khả năng bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh ở Bắc Trung Bộ. Theo dự báo, đến 19 giờ ngày 19-8, vị trí tâm bão sẽ ở trên đất liền nước ta, sức gió mạnh nhất ở gần vùng tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10-11. Bão số 3 không chỉ gây ra gió mạnh cấp 8 đến cấp 10, giật cấp 12-14, mà hoàn lưu của nó còn có thể gây ra một đợt mưa lớn trên diện rộng với lượng mưa lớn từ 200-300mm, có nơi trên 500mm, ở toàn bộ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Như vậy có nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất ở nhiều tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ…
Trước đó, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số trận mưa lớn khiến đất cát trôi bồi lấp nhiều tuyến cống tiêu thoát nước trên địa bàn một số khu vực ở Hạ Long, Cẩm Phả và làm cho đất ở nhiều khu vực "no" nước. Đặc biệt, trong ngày 18-8, do ảnh hưởng của cơn bão, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to liên tục trên diện rộng. Do vậy, khi cơn bão số 3 chính thức ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh (dự báo trong ngày 19-8), chắc chắn sẽ gây ra gió mạnh và mưa lớn, rất có thể sẽ xảy ra tình trạng ngập úng, sạt lở đất đá, lũ lụt ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng trũng, đồi núi, khu vực gần sông suối, các địa bàn vùng núi, đặc biệt là tại các "điểm nóng" về ngập lụt trong thời gian vừa qua, các dự án xây dựng đang thi công trên đồi cao…
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra, cũng như sự ảnh hưởng của nó đến sinh hoạt, sản xuất của người dân, các cấp, các ngành, địa phương, lực lượng chức năng cần tích cực, chủ động, khẩn trương triển khai các biện pháp, phương án phòng chống cơn bão. Khẩn trương tổ chức sơ tán người dân và tài sản của họ ở những khu vực nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro cao đến những nơi an toàn. Sẵn sàng các phương án xử lý khi có tình huống xấu xảy ra với phương châm 4 tại chỗ. Đặc biệt cần phân công, cắt cử, bố trí lực lượng, phương tiện thường trực, cảnh giới ở các vị trí nguy hiểm như đường qua sông suối, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, những khu dân cư thường xuyên bị ngập lụt, vùi lấp bùn cát, để kịp thời xử lý các tình huống, sự cố có thể xảy ra. Người dân trong vùng bị ảnh hưởng của bão không được chủ quan, coi thường khi có gió to, mưa lớn; tự ý thức và có các biện pháp phòng tránh hiệu quả…
Hậu quả do thiên tai, bão gió gây ra là rất khó lường và thường nặng nề. Vì vậy, chủ động, tích cực và có những hiểu biết trong thực hiện các biện pháp, cách thức phòng tránh sẽ hạn chế được những thiệt hại do mưa bão gây ra…
Thanh Tùng
Ý kiến ()