Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:36 (GMT +7)
Tích cực hỗ trợ tiêu thụ hải sản cho ngư dân Vân Đồn
Thứ 6, 01/10/2021 | 13:07:14 [GMT +7] A A
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất, thu mua, tiêu thụ sản phẩm nói chung bị đình trệ, trong đó có các sản phẩm nuôi trồng thủy sản. Nhiều ngư dân rơi vào tình trạng điêu đứng khi hàng chục tỷ đồng vốn liếng đầu tư khó có thể thu hồi. Trước tình hình đó, huyện Vân Đồn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tiêu thụ hải sản, giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn trong tình hình dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, không chỉ thị trường Trung Quốc bị đình trệ, tiêu thụ trong nước cũng bị hạn chế vì nhiều nhà hàng, khách sạn... tạm ngừng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch. Trong khi đó, những loại nhuyễn thể như ngao, sò, hàu... nếu không được thu hoạch đúng thời điểm sẽ dễ bị chết, nguy cơ ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh trong môi trường nước biển. Những loại cá có giá trị kinh tế cao như cá song, càng nuôi lâu, trọng lượng càng lớn, không chỉ khó bán lẻ (giá thành một con cá có thể lên tới 2 triệu đồng/con) mà chi phí thức ăn (các loại cá con, cá tạp) cũng vô cùng lớn.
Ông Long Văn Quảng, Chủ nhiệm HTX Thắng Lợi, thị trấn Cái Rồng, cho biết: Người nuôi trồng chúng tôi như ngồi trên đống lửa bởi hàng trăm tấn cá đã đến kỳ thu hoạch từ vài tháng trước, nhưng chưa tìm được đầu ra. Trọng lượng cá hiện tại trung bình từ 7-9kg/con, trong khi thị trường thường ưa chuộng loại cá có trọng lượng từ 2-3kg/con, loại này cũng có giá bán cao hơn. Hiện tại, chúng tôi đều đang ứng phó bằng cách giảm khẩu phần ăn và thời gian cho cá ăn để kìm hãm sự phát triển của cá, cũng như giảm chi phí thường xuyên.
Trước thực trạng đó, UBND huyện Vân Đồn đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy sản nuôi cho các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng. Từ đầu năm đến nay, 3 hội nghị như thế đã được tổ chức, với sự tham gia của cả các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các HTX, doanh nghiệp, hộ gia đình nuôi trồng và đại diện các doanh nghiệp thu mua, chế biến.
Đồng thời, thông qua các kênh tiêu thụ khác nhau để xúc tiến, kết nối hỗ trợ tiêu thụ cho bà con. Kết quả, tính đến ngày 26/9, 10.000 tấn hàu nguyên vỏ; 2.344 tấn hàu ruột; 7.508 tấn thưng, sần... đã được tiêu thụ cả thị trường trong và ngoài nước.
Đối với cá song, thực hiện Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 15/9/2021 của UBND tỉnh về việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến cuối năm 2021, bằng các kênh khác nhau, việc tiêu thụ mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có nhiều khởi sắc. Huyện cũng đã phối hợp với Sở Công thương kết nối tiêu thụ qua Nhà hàng Hồng Hạnh 10 tấn; qua các cơ quan, đơn vị trong tỉnh 2,6 tạ và 1 tấn cá được tiêu thụ qua kênh truyền thống (chợ, nhà hàng, bếp ăn...).
Bên cạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thủy sản, huyện cũng đưa ra khuyến cáo các hộ nuôi giảm mật độ, sản lượng nuôi, đặc biệt đối với con hàu. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở có đủ điều kiện thành phần hồ sơ cấp mã vùng nuôi trên địa bàn, làm căn cứ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nuôi theo Luật Thủy sản 2017. Đến hết tháng 9, toàn huyện đã cấp mã vùng nuôi cho 60 cơ sở, tăng 10 cơ sở so với năm 2020.
Huyện cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra các cơ sở, chế biến hàu ruột đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng dẫn, quy định của Nhà nước để sản phẩm đủ điều kiện xuất bán vào các nhà hàng và xuất khẩu.
"Từ giờ đến cuối năm, Phòng NN&PTNT huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị mời các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có khả năng thu mua chế biến sâu từ sản phẩm hàu nói riêng, thủy sản nuôi nói chung. Từ đó, từng bước xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ khép kín trên cơ sở hợp đồng, hợp tác, liên kết, đặt hàng theo nhu cầu của thị trường" - ông Hà Văn Ninh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn khẳng định.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()