Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:24 (GMT +7)
Thủy sản Việt Nam tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm nếu bị “thẻ đỏ”
Thứ 3, 10/08/2021 | 14:06:59 [GMT +7] A A
Trong trường hợp bị EC phạt “thẻ đỏ”, tác động trước mắt và trực tiếp nhất đối với thủy sản Việt Nam sẽ là lệnh cấm thương mại của EC nếu Việt Nam không đáp ứng các quy định về chống khai thác thủy sản IUU. Khi đó, ước tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm nếu mất thị trường EU.
Sáng ngày 10/8, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam”.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%
Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP - thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam về giá trị, chiếm khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam những năm gần đây dao động từ 8,5 đến gần 9 tỷ USD mỗi năm, trong đó thủy sản nuôi trồng đóng góp 60 - 65%, thủy sản khai thác chiếm 35 - 40% giá trị.
Là nước xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới, những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng đến việc phát triển bền vững ngành thủy sản. Tuy nhiên, với đặc thù nghề cá nhỏ lẻ, Việt Nam đang phải đối diện với một thách thức lớn liên quan đến cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) từ tháng 10/2017, do nỗ lực chưa đủ để chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thẻ vàng IUU của EC đã khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. So sánh kết quả xuất khẩu 2017-2019, sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản giảm trên 10% sau 2 năm, tương đương giảm 43 triệu USD, trong đó, bạch tuộc giảm mạnh nhất 37%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 11%, cá ngừ giảm gần 2%, cua giảm 11%. Xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng sang EU cũng giảm 13% từ năm 2017 đến năm 2019.
Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt do bị tác động kép bởi dịch Covid-19, thẻ vàng IUU và Brexit, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD.
Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối đối với các thị trường khác và là đối tác quan trọng với ngành thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, thủy sản Việt Nam còn đứng trước nguy cơ mất thị trường EU trong trường hợp ngành hải sản khai thác Việt Nam bị EC phạt thẻ đỏ, nếu không có các giải pháp và hành động quyết liệt để tuân thủ các quy định chống khai thác IUU.
Cần có những giải pháp hợp lý để gỡ “thẻ vàng”
Để có đánh giá chi tiết về các nguy cơ này, VASEP phối hợp với các chuyên gia của Đại học Nha Trang và Đại học Kinh doanh Copenhagen (Đan Mạch) đã hợp tác thực hiện Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam”. Báo cáo có sự giám sát của WB và được tài trợ bởi hai quỹ tín thác do Ngân hàng Thế giới quản lý, gồm Chương trình Toàn cầu về thủy sản (PROFISH) và Chương trình Vì nền kinh tế Xanh (PROBLUE).
Báo cáo với trên 60 trang bao gồm 5 phần, với các nội dung: đánh giá về thực trạng sản xuất, tiêu thụ thủy sản Việt Nam; đề cập các quy định về chống khai thác IUU của các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, các nước khác và Việt Nam; phân tích dòng chảy thương mại thủy sản trong giai đoạn 2007-2019 để đánh giá tác động kinh tế của thẻ vàng IUU đối với Việt Nam và trên cơ sở đó đánh giá định lượng về tổn thất kinh tế, tác động ngắn hạn và trung hạn trong trường hợp bị phạt thẻ đỏ IUU.
TS. Nguyễn Tiến Thông - ĐH Kinh doanh Copenhagen, Đan Mạch - Chuyên gia tư vấn của VASEP - cho hay, kết quả nghiên cứu cho thấy, các sản phẩm thủy sản khai thác chịu tác động trực tiếp từ các Quy định IUU và cảnh báo thẻ vàng IUU, trong khi sản phẩm thủy sản nuôi trồng bị ảnh hưởng gián tiếp. Trong trường hợp bị EC phạt thẻ đỏ, tác động trước mắt và trực tiếp nhất đối với thủy sản Việt Nam sẽ là lệnh cấm thương mại của EC nếu Việt Nam không đáp ứng các quy định về chống khai thác thủy sản IUU.
Khi đó, ước tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm nếu mất thị trường EU. Trong đó, ước tính tổn thất từ hải sản khai thác, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài hải sản khác khoảng 387 triệu USD mỗi năm.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP, các tác động gián tiếp đối với thủy sản nuôi trồng có nguyên do từ việc giảm sút uy tín, gánh nặng kiểm soát hải quan ngày càng tăng và việc không tận dụng được thuế quan ưu đãi của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Ngành thủy sản nuôi trồng có thể mất khoảng 93 triệu USD do các tác động gián tiếp. Về trung hạn, nếu lệnh cấm kéo dài trong 2-3 năm có thể gây gián đoạn xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó khai thác thủy sản sẽ bị thu hẹp ít nhất 30% về quy mô sản lượng.
Ngoài tác động của thẻ vàng, ngành thủy sản cũng đang chịu những thách thức mới do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, nếu Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA thì cơ hội phục hồi và hướng tới mục tiêu tăng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU tới 1,2-1,4 tỷ USD trong những năm tới là hoàn toàn khả thi. Điều này cho thấy cần có những giải pháp hợp lý, hiệu quả để sớm khắc phục thẻ vàng, đưa ngành thủy sản hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm từ 7-9% và đạt 16-18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030, cũng như hỗ trợ nghề cá bền vững.
Tháng 1/2019, EU tuyên bố chính thức dỡ bỏ thẻ vàng cho Thái Lan để ghi nhận những tiến bộ đáng kể mà Thái Lan đã đạt được trong việc giải quyết vấn nạn khai thác thủy sản IUU kể từ năm 2015. Quyết định dỡ bỏ thẻ vàng IUU được đưa ra sau khi các cơ quan chức năng Thái Lan với EC hợp tác tích cực để cải cách toàn diện và cơ cấu hệ thống chính sách và luật pháp trong nghề cá của họ nhằm hạn chế đánh bắt bất hợp pháp. Các biện pháp được thực hiện bao gồm: Rà soát toàn diện khung pháp lý nghề cá phù hợp với Luật Biển quốc tế, bao gồm các chương trình xử phạt mang tính răn đe; cải cách toàn diện việc quản lý chính sách đội tàu, với hệ thống đăng ký và kiểm soát tàu cá hợp lý; tăng cường các công cụ giám sát, kiểm soát và giám sát, bao gồm việc theo dõi đầy đủ với Hệ thống VMS của đội tàu công nghiệp và một hệ thống kiểm tra mạnh mẽ tại cảng; hệ thống truy xuất nguồn gốc toàn diện.... Kinh nghiệm từ Thái Lan cũng là bài học cho Việt Nam tham khảo.
Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ thẻ vàng và đã được EU ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, tháo gỡ thẻ vàng còn nhiều khăn nhất là nâng cao năng lực truy xuất nguồn góc và việc tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài.
Với tiềm năng về nguồn lợi thủy sản, Việt Nam là nước sản xuất thủy sản đứng thứ 4 trên thế giới và là nguồn cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho thị trường thế giới nhờ nguồn lao động ổn định, công suất cao và công nghệ chế biến tốt. Hàng thủy sản Việt Nam đã tiếp cận trên 160 thị trường và đứng vững ở nhiều thị trường lớn và khắt khe như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, người tiêu dùng trên thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản ngày càng quan tâm đến các sản phẩm có uy tín và bền vững. Vì vậy, chống khai thác IUU trước hết là vì sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam, cũng như đáp ứng các xu hướng và quy định của thị trường để thuỷ sản Việt Nam duy trì uy tín và chỗ đứng trên thị trường.
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()