Thượng viện Mỹ công bố dự luật ngân sách 118 tỷ USD, trong đó hơn 60 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, nhưng triển vọng phê duyệt chưa rõ ràng.
Dự luật ngân sách được Thượng viện Mỹ công bố hôm 4/2 sẽ dành 20,23 tỷ USD cho siết chặt an ninh biên giới, 60 tỷ USD viện trợ Ukraine, 14,1 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Israel, 2,44 tỷ USD cho Bộ tư lệnh Trung tâm thuộc quân đội Mỹ và các hoạt động tại Biển Đỏ.
4,83 tỷ USD sẽ được chi cho hỗ trợ các đối tác của Washington tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cùng 10 tỷ USD dành để cung cấp viện trợ nhân đạo cho dân thường ở Dải Gaza, Bờ Tây và Ukraine.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết dự luật sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong hai ngày tới, nhưng đang gặp sự phản đối từ các nghị sĩ của cả hai đảng.
"Những ưu tiên trong dự luật này quan trọng đến mức không thể phớt lờ và không thể chịu tác động từ tranh cãi chính trị. Mỹ và đồng minh đang đối mặt hàng loạt thách thức phức tạp từ các đối thủ trên toàn cầu", ông nói.
Tổng thống Joe Biden khẳng định "ủng hộ mạnh mẽ" dự luật này và kêu gọi quốc hội nhanh chóng thông qua thỏa thuận ngân sách để ông ký ban hành thành luật.
Các nghị sĩ tại Thượng viện Mỹ đã đàm phán suốt nhiều tháng qua để đạt thỏa thuận ngân sách nhằm ứng phó nhập cư bất hợp pháp, trong đó phe Cộng hòa yêu cầu tăng cường an ninh biên giới để đổi lấy giải ngân khoản viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine do Nhà Trắng đề xuất.
Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell nói rằng họ sẽ không đạt thỏa thuận ngân sách nào tốt hơn, nhưng nhiều nghị sĩ Cộng hòa cho rằng Tổng thống Joe Biden vẫn có thể thay đổi chính sách nhập cư thông qua các sắc lệnh hành pháp sau khi dự luật được phê duyệt.
Tổng thống Biden hồi tháng 10/2023 kêu gọi quốc hộiMỹphê duyệt ngân sách 106 tỷ USD cho an ninh quốc gia, trong đó ràng buộc khoản viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine với 14 tỷ USD hỗ trợ cho Israel trong chiến dịch trả đũa Hamas.
Tuy nhiên, những đề xuất từ Nhà Trắng đều không thể thúc đẩy quốc hội Mỹ phê duyệt viện trợ cho Ukraine và Israel, khiến tình trạng này kéo dài sang năm 2024.
Mỹ đến nay vẫn là bên viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, với hàng chục tỷ USD viện trợ an ninh và liên tục cam kết ủng hộ Kiev đến chừng nào còn cần thiết. Tuy nhiên, sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng duy trì viện trợ của Mỹ, khi Ukraine đang chuẩn bị bước sang năm thứ ba chiến sự.
Ý kiến ()