Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:59 (GMT +7)
Thường trực HĐND tỉnh họp thường kỳ tháng 11
Thứ 6, 02/12/2022 | 15:30:21 [GMT +7] A A
Ngày 2/12, Thường trực HĐND tỉnh họp phiên thường kỳ để đánh giá tình hình công tác tháng 11, triển khai một số nhiệm vụ thời gian tới, trọng tâm là tổ chức Kỳ họp thứ 12 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2022. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
11 tháng qua, hoạt động của Thường trực và các ban HĐND tỉnh tiếp tục được thực hiện theo hướng chủ động, tích cực trên các mặt công tác. Trọng tâm là tổ chức Kỳ họp chuyên đề - Kỳ họp thứ 11 của HĐND tỉnh với việc xem xét, thảo luận, thông qua 9 nghị quyết đáp ứng kịp thời nhiệm vụ điều hành ngân sách, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021 – 2025; chủ động chuẩn bị tốt các nội dung tổ chức Kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 và chỉ đạo thực hiện công tác khảo sát, thẩm tra các nội dung trình tại kỳ họp đảm bảo theo luật định.
Thường trực và các ban HĐND tỉnh tiếp tục giám sát, khảo sát thường xuyên, không báo trước, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, kịp thời thông tin báo cáo, đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chung của tỉnh; chú trọng rà soát, đôn đốc, nắm bắt thường xuyên tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh, các kiến nghị sau giám sát, khảo sát để kịp thời kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp tình hình mới; tăng cường rà soát, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Về công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 12 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND tỉnh, dự kiến kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 7-9/12/2022, nhằm thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2022, thống nhất nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và quyết nghị những nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh; trong đó có nhiều nội dung quan trọng về các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện 3 đột phá chiến lược được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Đến thời điểm này, một số nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp đã được triển khai thực hiện, như: Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp; xây dựng, hoàn thiện các báo cáo, tờ trình dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh trình kỳ họp; công tác thẩm tra báo cáo, tờ trình cũng đã được các Ban HĐND tỉnh đẩy nhanh tiến độ…
Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 12 của BCH Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, các cơ quan liên quan tập trung chuẩn bị tốt các nội dung Kỳ họp thường lệ cuối năm 2022, trọng tâm là tập trung xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Kế hoạch đầu tư công năm 2023 - năm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Trong đó, lưu ý các cơ chế, chính sách, biện pháp khơi thông các điểm nghẽn, nút thắt và khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác chuẩn bị đầu tư công; nâng cao hiệu quả điều hành ngân sách địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách phù hợp với tình hình mới theo hướng tăng cường phân cấp sát với đặc thù của các địa phương. Về đầu tư công, các dự án, công trình khởi công mới phải đảm bảo đủ điều kiện, trình tự, thủ tục theo quy định, được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư; rà soát kỹ lưỡng, đánh giá khả năng thu ngân sách từng sắc thuế, nhất là liên quan tới thu tiền sử dụng đất; nghiên cứu, chủ động đề xuất cơ chế, biện pháp khuyến khích thu tiền thuê đất hàng năm thay vì một lần vừa giảm thiểu rủi ro thất thoát nguồn thu, vừa nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho các địa phương.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 của HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, cần cập nhật đầy đủ nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia trong bối cảnh tỉnh đã chuyển sang thực hiện tiêu chí giảm nghèo giai đoạn mới, bước sang giai đoạn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao. Phải thống nhất cơ chế quản lý, tỉnh chỉ quản lý mục tiêu hỗ trợ nguồn lực, hướng dẫn thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, phổ biến điển hình, kinh nghiệm tốt. Địa phương sẽ chịu trách nhiệm quản lý nguồn lực tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật; nâng cao năng lực thực thi chính sách của cấp huyện và cấp cơ sở theo đúng tinh thần của Trung ương.
Đối với nhóm vấn đề liên quan tới an sinh xã hội, văn hóa, con người, trong đó có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, cần phải tập trung đối tượng được quy định theo Nghị định 140/2017/NQ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; chính sách hỗ trợ đào tạo chuyên sâu cho lĩnh vực y tế, giáo dục.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý: Thường trực, các Ban HĐND tỉnh phải tiến hành thẩm tra kỹ lưỡng các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Các báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ góc nhìn, quan điểm khách quan của các Ban HĐND tỉnh, có tính phản biện cao. Trong đó, báo cáo thẩm tra trong lĩnh vực kinh tế ngân sách cần chỉ rõ những yếu kém, bất cập trong điều hành chi ngân sách địa phương gồm cả đầu tư công và chi thường xuyên, đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục năm 2022; việc thiếu những Đề án tổng thể để xem xét bố trí nguồn lực, điều phối, giám sát, đánh giá hiệu quả; chất lượng lập dự toán chi thường xuyên ở một số đơn vị thụ hưởng ngân sách chưa có nhiều cải thiện; tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển... Những vấn đề trên cần được chỉ rõ gắn với nguyên nhân từ sự hạn chế, yếu kém trong chất lượng đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý, chỉ đạo, điều hành, chủ đầu tư và nhà thầu.
Đối với các nội dung chất vấn tại kỳ họp, đến thời điểm này, Thường trực HĐND tỉnh đã nhận được 28 nội dung chất vấn của các đại biểu thông qua Thường trực HĐND và các ban HĐND – đây đều là những vấn đề đang được nhân dân quan tâm. Căn cứ vào tính chất, mức độ, mối quan tâm, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất tại kỳ họp 12 sẽ đưa ra 4 nhóm vấn đề để chất vấn và trả lời chất vấn, gồm: Thu hút đầu tư FDI; an sinh xã hội, đặc biệt là vấn đề đảm bảo nước sạch cho dân cư nông thôn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng ngập lũ, vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn; phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp; chuyển đổi số ở Quảng Ninh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Kỳ họp cuối năm có ý nghĩa rất quan trọng, vì vậy công tác chuẩn bị phải được thực hiện với chất lượng cao nhất, theo hướng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong tổ chức. Đề cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, nhân dân cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, cùng với công tác chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, có trọng tâm, trọng điểm, phải nâng cao chất lượng ban hành các Nghị quyết để đảm bảo các Nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống, nhất là các Nghị quyết về đầu tư công, chi ngân sách địa phương và những vấn đề nhân dân, cử tri quan tâm. Đối với những nội dung chưa chuẩn bị kỹ càng, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, cương quyết không trình ra Kỳ họp.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()