Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 13:19 (GMT +7)
Xây dựng hệ giá trị địa phương, con người, văn hóa và gia đình Quảng Ninh
Thứ 4, 17/05/2023 | 18:58:21 [GMT +7] A A
Ngày 17/5, Thường trực Tỉnh ủy họp, nghe và cho ý kiến về công tác chuẩn bị tổng kết 5 năm triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Đề án và dự thảo Nghị quyết xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trong giai đoạn mới cùng một số nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Được ví như "Việt Nam thu nhỏ" sở hữu đa dạng tài nguyên, Quảng Ninh có nhiều giá trị riêng biệt, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, độc đáo, là “cái nôi” của giai cấp công nhân Việt Nam, có truyền thống cách mạng của công nhân Vùng Mỏ với di sản tinh thần vô giá “Kỷ luật và Đồng tâm”…
Trong các giá trị, Quảng Ninh xác định văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực để phát triển KT-XH, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong nhiều giai đoạn. Trên tinh thần giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng: Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện…, tháng 3/2018, Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Đến nay, 5 năm triển khai theo tinh thần nghị quyết, mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ đó, khơi dậy và phát huy sức sáng tạo của nhân dân trong xây dựng, bảo tồn và phát triển văn hóa.
Để chuẩn bị tổng kết giai đoạn 5 năm, triển khai xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh giai đoạn tiếp theo, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai tổng kết; rà soát các mục tiêu Nghị quyết; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì xây dựng Đề án xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trong giai đoạn mới. Trong đó, có lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia.
Cùng với việc nêu thực trạng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh, Đề án nêu rõ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh; khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa và phát triển môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với giá trị đặc trưng, riêng có của tỉnh Quảng Ninh; tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về văn hóa; xây dựng, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật…
Để đánh giá tổng thể, toàn diện 5 năm triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, trên cơ sở đề xuất của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, nhận định bối cảnh lịch sử và những thành tựu nổi bật của tỉnh. Các đồng chí trong thường trực Tỉnh ủy đề nghị tiếp tục rà soát và bổ sung, thống nhất những kết quả đạt được trong thực hiện theo tinh thần nghị quyết.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Cụ thể hóa quan điểm này, cùng với việc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 9/3/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh, việc tiếp tục xây dựng Nghị quyết về phát triển văn hóa con người Quảng Ninh có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, khi Quảng Ninh đang thực hiện mục tiêu giai đoạn 2020-2025 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước; đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Vì thế, trong dự thảo Nghị quyết cần làm rõ một số nội dung về hệ giá trị địa phương, hệ giá trị con người Quảng Ninh, hệ giá trị văn hóa Quảng Ninh, hệ giá trị gia đình Quảng Ninh.
Chỉ đạo cụ thể, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nêu rõ: việc xây dựng hệ giá trị của địa phương phải làm bật 6 đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”; về hệ giá trị con người Quảng Ninh sẽ là “bản lĩnh - tự cường - đoàn kết - sáng tạo - hào sảng - văn minh”. Đối với hệ giá trị văn hóa Quảng Ninh gồm sự chắt lọc trong giai đoạn phát triển mới của sự giao thoa, hội tụ, thống nhất trong đa dạng nền văn minh sông Hồng; văn hóa biển; văn hóa công nhân mỏ; văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số; nơi hình thành thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử nâng tầm giá trị nhân văn, tính độc đáo của bản sắc văn hóa Việt Nam gắn liền với vị Vua - nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa lớn Trần Nhân Tông. Về hệ giá trị gia đình Quảng Ninh sẽ gồm các giá trị: ấm no - hạnh phúc - tiến bộ - văn minh.
Từ việc xác định rõ các hệ giá trị này, sẽ có được những giải pháp cụ thể trong Nghị quyết. Trong đó lưu ý, giải pháp về xây dựng gia đình hạnh phúc thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống con người, nhất là gia đình trẻ; tiếp tục chăm lo công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa, văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy tối đa hiệu quả của các thiết chế văn hóa, thể thao; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với chuyển đổi số; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng đô thị văn minh, nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái và nông dân khá giả cùng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"; quan tâm vai trò của văn học, nghệ thuật và Hội văn học nghệ thuật trong việc tạo nên những tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, tương xứng với tầm vóc của tỉnh và đất nước; xây dựng bộ bộ nhận diện thương hiệu Quảng Ninh...
Những nội dung này cũng cần được làm sâu sắc hơn tại Hội thảo “Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững” với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu về văn hóa.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()