Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:38 (GMT +7)
Thương mại Việt Nam và Peru, Chile ‘khởi sắc’ nhờ Hiệp định CPTPP
Thứ 7, 09/11/2024 | 15:25:32 [GMT +7] A A
Việt Nam, Peru, Chile đều là thành viên của Hiệp định CPTPP và Hiệp định này đã góp phần gia tăng quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia.
“Lực đẩy” từ Hiệp định CPTPP
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile Gabriel Boric Font và Tổng thống Cộng hòa Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Chile, Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 từ ngày 9-16/11/2024.
Thông tin đến báo chí về các nội dung liên quan đến chuyến thăm này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường trên cương vị mới, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cả về song phương và đa phương.
Nhân chuyến thăm đặc biệt này, nhìn lại quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và hai quốc gia Nam Mỹ kể trên, có thể thấy, thương mại song phương đã có sự tăng trưởng mạnh thời gian qua.
Hiện nay, Peru, Chile và Việt Nam đều là các thành viên của Hiệp định CPTPP. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1 năm 2019, CPTPP đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực Châu Mỹ, đặc biệt là các thị trường thành viên gồm: Canada, Mexico, Chile, và Peru (trong đó Canada, Mexico và Peru là các thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam).
Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56,3%, từ 8,7 tỉ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỉ USD năm 2023 mặc dù đây là giai đoạn có nhiều thách thức như suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỷ USD vào năm 2018 lên 11,7 tỷ USD năm 2023. Xuất siêu ở các thị trường này cũng tăng gần gấp 3 lần, từ 3,9 tỷ USD lên 11,01 tỷ USD, góp phần tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua. Kết quả này đã góp phần đáng kể vào thương mại của Việt Nam với khu vực châu Mỹ nói chung, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 137,7 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 114, 5 tỉ USD. Đặc biệt, thương mại giữa Việt Nam và các đối tác như Canada, Mexico, Chile, Peru… có sự khởi sắc đáng kể.
Thực tế, trước đó, chúng ta đã có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile nhưng là hiệp định truyền thống và ở quy mô nhỏ. Với CPTPP, lần đầu tiên chúng ta cùng lúc tiếp cận hai thị trường ở Nam Mỹ là Peru và Chile, cùng với 2 thị trường ở phía Bắc Mỹ là Canada và Mexico. Chính điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam để tiếp cận thị trường mới, nhiều tiềm năng.
Theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ - Bộ Công Thương, trải qua ba năm thực thi Hiệp định CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường CPTPP ở khu vực châu Mỹ có mức tăng trưởng hết sức ấn tượng, đặc biệt là các thị trường như Canada, Mexico, Chile... Những kết quả này cho thấy, Hiệp định CPTPP đã có những tác động tích cực, dù là trực tiếp hay gián tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của chúng ta sang các thị trường này chủ yếu là nhóm điện thoại và linh kiện; máy móc, phụ tùng; dệt may; da giày…
Gia tăng kim ngạch thương mại Việt Nam và Peru, Chile
Cụ thể hơn, với Chile, năm 2024 là dịp kỷ niệm 55 năm Việt Nam và Chile thiết lập quan hệ ngoại giao. 55 năm qua, quan hệ Việt Nam-Chile đã và đang phát triển tích cực, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Kim ngạch thương mại hai chiều trong hơn 1 thập kỷ đã tăng gấp 4 lần, đạt 1,5 tỷ USD năm 2023.
Hiện nay, Chile là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực; là nước Mỹ Latinh đầu tiên ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (năm 2014). Theo đó, chuyến thăm sẽ đem đến “sức sống mới” cho quan hệ Việt Nam-Chile, nhất là trên các lĩnh vực mà hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác.
9 tháng đầu năm 2024, thương mại song phương hai nước đạt 1,24 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chile đạt 983 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với Peru, hiện nay, Peru là nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh; là bạn hàng lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Peru trong ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 500 triệu USD.
9 tháng đầu năm 2024, thương mại song phương hai nước đạt xấp xỉ 400 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Peru đạt 344 triệu USD, giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ.
Mặc dù xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường Peru, Chile đã có sự tăng trưởng, tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận rằng dư địa và tiềm năng của thị trường để khai thác vẫn còn lớn và chúng ta có thể làm tốt hơn nữa. Đặc biệt, Peru hay Chile đều đang tham gia rất nhiều FTA… Do đó, phải làm thế nào để có thể tận dụng được những liên kết về kinh tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sang những nước khác ở trong khu vực Châu Mỹ qua Peru, Chile.
Do đó, theo Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ - Bộ Công Thương, thông qua Chile và Peru, chúng ta có thể tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước Nam Mỹ khác bởi Chile có FTA với cả khối thị trường chung Nam Mỹ là MERCOSUR. Do đó, CPTPP có thể trở thành “bàn đạp” giúp hàng Việt Nam tận dụng tốt cơ hội tại Chile và Peru, đồng thời vươn tới thị trường MERCOSUR rộng lớn, trước khi nước ta có FTA với khu vực này.
Theo Báo Công Thương
- Ngành thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng trưởng 18%
- Thu gần 95 nghìn tỷ đồng tiền thuế, xem xét việc dùng AI kiểm soát doanh thu sàn thương mại điện tử
- Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ninh, Móng Cái, Tây Nam Quảng Ninh thông báo tuyển dụng cán bộ năm 2024
- Thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc tiến gần mốc 170 tỷ USD sau 10 tháng
Liên kết website
Ý kiến ()