Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:43 (GMT +7)
Thương mại giảm kỷ lục, doanh nghiệp Việt 'hụt hơi'
Thứ 6, 23/06/2023 | 16:19:32 [GMT +7] A A
Theo các chuyên gia, nhìn vào con số thống kê về tình hình thương mại trong nửa đầu năm, có thể thấy doanh nghiệp Việt đang rất "yếu ớt" và bị tụt lại phía sau trước tình hình khó khăn hiện nay.
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 6, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD, giảm 16,6% so với nửa cuối tháng 5. Lũy kế đến ngày 15/6, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 148,8 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022.
Kéo tụt trị giá xuất khẩu phải kể đến số nhóm hàng chủ lực như: Điện thoại các loại & linh kiện giảm 5,1 tỷ USD; hàng dệt may giảm hơn 2,5 tỷ USD; gỗ & sản phẩm gỗ giảm 2,2 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 1,7 tỷ USD....
Ở chiều ngược lại, tính đến ngày 15/6, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 139 tỷ USD, giảm 18,4% (tương ứng giảm 31,43 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giảm lớn nhất từ trước tới nay, cao hơn cả thời điểm suy thoái kinh tế năm 2009.
Tính đến giữa tháng 6, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 9,8 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý, doanh nghiệp FDI vẫn xuất siêu tới 18,3 tỷ USD. Điều này cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước đang thâm hụt nặng.
Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, con số này thể hiện doanh nghiệp nội địa đang rất "yếu ớt" và bị tụt lại phía sau trước sự thay đổi của môi trường kinh doanh quốc tế.
Theo ông Doanh, các sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt chủ yếu là gia công nên khi thị trường tiêu thụ kém, giá trị nhận được rất thấp và rất dễ bị tổn thương. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI biết rõ thị trường, có mạng lưới rộng khắp nên nhanh chóng chuyến hướng và ít bị ảnh hưởng hơn trước tình hình khó khăn hiện nay.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, trong hơn 30 năm qua, thương mại của Việt Nam chưa bao giờ chứng kiến việc giảm mạnh như vậy.
Theo ông Thành, trước nay, nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. “Việc nhập khẩu giảm kỷ lục cho thấy Việt Nam chịu tác động rất mạnh từ môi trường bên ngoài, khiến tình hình sản xuất trong nước ở mức thấp, nhu cầu đầu tư giảm sút, và tiêu dùng đang ở mức kém”, ông Thành nói.
Đặc biệt, theo ông Thành với con số thặng dư chủ yếu tập trung ở DN FDI còn thể hiện việc giá trị gia tăng trong nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phụ thuộc lớn vào những doanh nghiệp này. “Đây là điều lo ngại và trong tình hình khó khăn này những con số càng bộc lộc rõ hơn nội tại của Việt Nam”, ông Thành nói.
Để vượt qua khó khăn, theo các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước cần tận dụng sức mạnh của doanh nghiệp FDI, tham gia sâu vào chuỗi giá trị của họ để nâng dần giá trị gia tăng, đồng thời cần liên kết lại với nhau tạo quy mô lớn để giảm sự tổn thương trước tác động từ môi trường bên ngoài.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()