Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 09:14 (GMT +7)
Bình Phước: Thương mại điện tử đưa doanh nghiệp ra “biển lớn”
Thứ 3, 26/10/2021 | 16:39:25 [GMT +7] A A
Thị trường bán lẻ đang ngày càng mở rộng các kênh, hình thức bán hàng để cạnh tranh, trong đó bán hàng qua các kênh thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng chiếm ưu thế. Trong khi nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19 thì TMĐT là một trong những ngành ít chịu tác động tiêu cực mà ngược lại đã phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trong tỉnh đã chủ động biến khó khăn thành cơ hội đưa sản phẩm vươn ra biển lớn nhờ công nghệ số.
Tiếp cận thị trường thế giới nhờ TMĐT
Nắm bắt xu hướng TMĐT đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, Công ty cổ phần Eubiz Bình Phước chuyên sản xuất hạt điều và trái cây sấy đã chuẩn hóa quy trình, chất lượng sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu khắt khe của TMĐT quốc tế. Đây cũng chính là giấy thông hành để DN tiếp cận được các thị trường khó tính nhất tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Eubiz Bình Phước (thôn 3, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng) chia sẻ: “Trước đây, việc bán hàng của công ty chủ yếu thông qua hình thức trực tiếp và mở rộng đại lý phân phối. Tuy nhiên, từ năm 2019 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn trong mua sắm trực tuyến nên quyết định thúc đẩy phát triển hoạt động bán hàng trên các kênh TMĐT quốc tế như: Alibaba, Amazon; Marketing qua website, YouTube, nhờ đó đã giúp DN tăng tỷ trọng bán hàng từ 40% lên đến 60%. DN cũng vươn lên đạt top 100 Best Seller về hạt điều tại Mỹ năm 2021. Top Ranking vị trí số 1 Alibaba tháng 7, tháng 8-2021…
Trong khi nhiều DN ngừng hoạt động hoặc giải thể do khó khăn vì dịch Covid-19, thì công ty lại tìm thấy cơ hội từ việc năng động tìm kiếm phương thức kinh doanh mới để thích nghi với tình hình khó khăn chung.
HTX Nông nghiệp sản xuất - thương mại - dịch vụ Thành Phương (xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú) làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên chi phí làm ra các sản phẩm trái cây của HTX này cao hơn nhiều so với trồng bằng phương pháp truyền thống. Thế nhưng dịch Covid-19 bùng phát, hợp đồng ký kết với chuỗi cửa hàng trái cây tại TP. Hồ Chí Minh bị đứt gãy và phải chuyển qua bán lẻ trong tỉnh với giá giảm gần một nửa. Trong giai đoạn khó khăn, HTX đã linh hoạt tiếp cận các kênh TMĐT như Tiki, Lazada; các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Fanpage… để chủ động chào hàng, quảng bá sản phẩm.
Chị Trịnh Thị Trang, Phó phòng kinh doanh, HTX Nông nghiệp sản xuất - thương mại - dịch vụ Thành Phương cho biết: Với diện tích quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao khoảng 10 ha, sắp tới HTX sẽ cung cấp cho thị trường các sản phẩm chủ lực như: rau thủy canh, dưa lưới, nho kẹo đen, bơ Mã Dưỡng và lan Mokara. Để tính “đường dài” cho sản phẩm của mình khi thị trường mua sắm đang dịch chuyển lên môi trường mạng thì chắc chắn đây sẽ là phương án kinh doanh HTX hướng tới. Để tạo đà cho xu hướng kinh doanh này, HTX đang được tỉnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách để kết nối tham gia các sàn TMĐT nhằm tăng tính cạnh tranh và giảm chi phí trung gian.
Tạo đà cho nền kinh tế số
Nhiều năm sản xuất và kinh doanh lĩnh vực hạt điều, có lẽ chưa thời điểm nào thị trường bán lẻ lại khó khăn như hiện nay, khi các dịch vụ mua bán truyền thống bị ngưng trệ, hàng hóa không thể lưu thông. Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, Công ty TNHH Vinahe (TX. Phước Long) đã quyết định chuyển hướng khi mang các sản phẩm của mình niêm yết trên các sàn TMĐT để giữ doanh số, cùng với đó là tiếp cận thêm các sàn TMĐT lớn của nước ngoài để tìm kiếm khách hàng mới.
“Trước đây, muốn bán sản phẩm chúng tôi phải đi chào hàng nên phát sinh nhiều chi phí. Bây giờ nhờ có TMĐT đã chuyển đổi hình thức giao dịch. Sản phẩm niêm yết lên sàn với thông tin minh bạch, rõ ràng, khách hàng ở bất kỳ đâu cũng có thể tìm hiểu về sản phẩm. Cùng với đó là các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, trở thành kênh tương tác kết nối giao thương toàn cầu với tốc độ nhanh hơn nhiều so với phương thức truyền thống. Qua đây, chúng tôi có thể trao đổi, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài mà không mất bất kỳ khoản chi phí trung gian nào” - anh Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe chia sẻ.
Lợi thế của TMĐT đó là tốc độ nhanh, phạm vi toàn cầu, có thể kết nối trực tiếp từ người bán tới người tiêu dùng với chi phí thấp hơn nhiều so với giao dịch truyền thống. Theo anh Nguyễn Hoàng Đạt, chắc chắn đây sẽ là kênh mua bán thay thế phương thức mua bán truyền thống trong tương lai. Điều quan trọng DN cần chủ động thích nghi bằng các giải pháp linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động kinh doanh để khai thác thị trường đầy tiềm năng này.
Để tạo điều kiện cho DN tiếp cận thị trường nhờ TMĐT, năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ 10 DN, HTX trong tỉnh xây dựng website tham gia sàn TMĐT để quảng bá bán hàng. Khi DN chuyển sang các hình thức mua bán trực tuyến là điều kiện thuận lợi để tỉnh chuyển dần sang nền kinh tế số trên tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-5-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025.
Theo Ngân Hà/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()