Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:15 (GMT +7)
Thương binh "tàn" mà không "phế"
Chủ nhật, 26/07/2020 | 11:34:19 [GMT +7] A A
Nhiều thương binh dù tuổi cao sức yếu vẫn không nghỉ ngơi, vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp của xã hội...
Ông Đặng Đình Viên, 76 tuổi, là thương binh 3/4 và là nạn nhân chất độc da cam, hiện đang sinh sống tại khu Bình Minh, phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội của địa phương..
Ông Viên từng làm việc ở Công ty CP Than Cọc Sáu – Vinacomin. Thời kỳ đầu, vốn tính năng động, ông được giao làm Bí thư Đoàn thanh niên Công ty, rồi làm đốc công ở Phân xưởng Sàng tuyển 1-5 (luôn dao động trên dưới 200 công nhân). Dưới sự lãnh đạo của ông Viên, Phân xưởng Sàng tuyển 1-5 năm nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và bản thân ông Viên được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 5 năm liền, từ 1991 – 1995.
Ông Đặng Đình Viên (bên phải) đến thăm ông Nguyễn Văn Tính, nạn nhân chất độc da cam ở khu Nam Tiến, phường Cẩm Bình, người được ông Viên vận động xã hội hóa giúp đỡ một phần kinh phí xây nhà. |
Năm 2007, ông Viên về hưu. Trở về với địa phương, ông lại tiếp tục tham gia công tác địa phương. Ông là Bí thư Chi bộ, Đảng ủy viên, đại biểu HĐND phường Cẩm Bình năm 2014 và cũng năm 2014, ông được bầu làm Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin phường Cẩm Bình.
Ở cương vị mới này, ông Viên có điều kiện hơn để chăm sóc các hội viên bị chất độc da cam. Công việc không dễ vì kinh phí chủ yếu từ khoản 10 triệu đồng/năm do UBND phường Cẩm Bình chu cấp cho Hội, còn lại đều phải vận động xã hội hóa. Phường Cẩm Bình có ít doanh nghiệp hoạt động nên việc vận động xã hội hóa không dễ, thường phải là sự giúp đỡ của các hội viên với nhau, người khá hơn giúp người có kinh tế kém hơn.
Thế nhưng, từ sự nỗ lực của ông Viên, các hội viên Hội NNCĐDC/Dioxin và sự hỗ trợ của UBND phường Cẩm Bình, trong 2 năm 2014 và 2015 đã giúp được 3 hội viên ở phường là các ông Nguyễn Văn Tính (50 triệu đồng), Nguyễn Văn Mỹ (40 triệu đồng) và hội viên Vũ Huy Thông (20 triệu đồng) để họ xây nhà, sửa chữa nhà ở.
Từ những hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đến đời sống của các hội viên, ông Đặng Đình Viên đã được nhận Bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH năm 2007 vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Ông Nguyễn Xuân Sắc (bên trái) đang tìm biện pháp chăm lo cho các hội viên trong CLB Thương binh Cẩm Phả. |
Cũng ở phường Cẩm Bình, ở khu phố Hòa Lạc, còn có ông Nguyễn Xuân Sắc, 78 tuổi, hiện nay là Chủ tịch CLB Thương binh Cẩm Phả, tuy tuổi cao nhưng vẫn tận tụy với công việc chăm sóc thương binh.
Ông Sắc nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty CP Thương binh Đoàn Kết, ông đã tạo công ăn việc làm cho nhiều thương binh, bệnh binh và con em họ khi cuộc sống của họ còn gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm còn là lãnh đạo Công ty CP Thương binh Đoàn Kết, ông Sắc đã giúp nhiều người khuyết tật trên địa bàn thị xã, trong số đó nhiều người là con các thương binh và nạn nhân chất độc da cam, có nghề để giúp họ ổn định phần nào cuộc sống. Năm 2007, một lớp học cắt may cho trẻ em khuyết tật gồm 40 thành viên được thành lập. Đến nay, một số học viên trong lớp học cắt may sau khi được đào tạo đã hành nghề tại nhà.
Từ năm 2016 đến nay, do tuổi cao, ông Sắc bàn giao Công ty CP Thương binh Đoàn Kết cho người khác và làm Chủ tịch CLB Thương binh Cẩm Phả vốn được thành lập từ năm 2003, hiện có 132 hội viên. Qua nhiều năm hoạt động, dưới sự lãnh đạo của ông Sắc, nhiều hội viên không chỉ giúp mình mà còn giúp người khác. Toàn CLB không có hội viên nghèo và có tới 70% số hội viên thuộc hộ khá.
Dù tuổi đã cao, nhưng nhiều thương binh đã không bao giờ chịu dừng bước trước tuổi già, họ vẫn cứ luôn là những tấm gương sáng giúp mình, giúp những đồng đội một thời cùng vươn lên thực hiện lời Bác dạy “Người thương binh tàn nhưng không phế”.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()