Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:09 (GMT +7)
"Các hoạt động tri ân người có công với cách mạng vừa là tình cảm thiêng liêng, vừa là trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân..."
Chủ nhật, 24/07/2022 | 11:00:49 [GMT +7] A A
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,” thời gian qua, Quảng Ninh đã luôn làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa,” chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Thưa ông, trong thời gian qua, công tác "đền ơn đáp nghĩa" với gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh được thực hiện ra sao?
+ Các hoạt động tri ân với người có công với cách mạng vừa là tình cảm thiêng liêng, vừa là trách nhiệm của mỗi cấp, ngành, mỗi tổ chức, cá nhân. Theo đó, trong 10 năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức xác nhận và thực hiện chính sách cho 3.110 người có công. Toàn tỉnh đang thực hiện trợ cấp hàng tháng cho hơn 12.500 người có công với cách mạng và một số đối tượng được hưởng chế độ theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hàng năm, tỉnh còn thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho trên 5.000 người và giải quyết trợ cấp thờ cúng liệt sĩ cho hơn 6.000 trường hợp. Tổng kinh phí chi hằng năm là trên 300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương ủy quyền.
Quảng Ninh còn ban hành những chính sách ưu đãi riêng, sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để thực hiện hỗ trợ, ưu đãi cho các đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn, như: Hỗ trợ học tập cho con liệt sĩ, con thương bệnh binh nặng học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Trong giai đoạn 2007-2022, tỉnh đã hỗ trợ cho 305 trường hợp là con liệt sĩ và con thương bệnh binh nặng với kinh phí 562,4 triệu đồng. Tỉnh cũng đã trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người có công được điều dưỡng hằng năm và luân phiên với mức 1,4 triệu đồng/người khi thực hiện điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công của tỉnh và 0,7 triệu đồng/người khi thực hiện điều dưỡng tại gia đình.
Trong 10 năm qua (2012-2021), Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp đã huy động được gần 70 tỷ đồng để thực hiện việc chăm lo đời sống cho các hộ gia đình chính sách trên địa bàn. Các cơ quan, đơn vị, các địa phương đã tặng 296 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí 882 triệu đồng. Hỗ trợ với kinh phí trên 18 tỷ đồng cho 21.694 trường hợp người có công đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công của tỉnh và tham quan các di tích lịch sử ở các tỉnh miền Bắc. Hỗ trợ xây mới và sửa chữa 51 nhà bia ghi tên liệt sĩ ở các xã, thị trấn với kinh phí trên 7 tỷ đồng.
Công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng luôn được tỉnh quan tâm, thực hiện tốt, tạo thành phong trào lan tỏa trong xã hội. Từ năm 2013 đến nay, Quảng Ninh đã hỗ trợ nhà ở cho gần 10.000 gia đình có công với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương hoàn thành Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sớm nhất cả nước.
Đặc biệt, năm 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 3; nguồn kinh phí thực hiện 100% từ ngân sách tỉnh. Hết năm 2020, đã có gần 3.000 hộ gia đình người có công được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở từ nguồn ngân sách tỉnh với tổng kinh phí thực hiện gần 120 tỷ đồng.
Công tác thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết luôn được tỉnh quan tâm chu đáo. Hàng năm, ngoài quà của Chủ tịch nước, tỉnh và các địa phương đều có quyết định tặng quà cho các hộ gia đình chính sách với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng/năm. Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương Người có công tiêu biểu với sự tham gia của gần 300 đại biểu; trích ngân sách để tặng quà cho hơn 17 nghìn đối tượng chính sách với kinh phí hơn 26 tỷ đồng.
- Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội cụ Hồ, nhiều thương bệnh binh đã phát triển kinh tế và tích cực tham gia công tác xã hội. Ông có thể điểm qua những điển hình này?
+ Hiện nay, có nhiều thương bệnh binh tiêu biểu chiến thắng thương tật, không ngừng nỗ lực phấn đấu trong lao động, sản xuất ổn định cuộc sống, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội, là những tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo. Những tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên, phát triển kinh tế và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện có thể kể ra như: CCB Lê Long Triệu ở khu 6B, phường Hồng Hải, TP Hạ Long là thương binh hạng 1/4, đồng thời là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; CCB Trần Đình Hưng, cư trú tại phường Hà Phong, TP Hạ Long là thương binh hạng 4/4, đồng thời là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; CCB Trần Đăng Tính cư trú tại xã Quảng Thành, huyện Hải Hà là bệnh binh hạng 3/3; CCB Lương Văn Thuần, là thương binh hạng 4/4, cư trú tại thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên...
Bên cạnh những tấm gương phát triển kinh tế giỏi, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới còn có nhiều tấm gương rất tích cực tham gia công tác phong trào tại địa phương, là Bí thư Chi bộ thôn, khu, Chủ tịch Hội CCB, Hội Nạn nhân chất độc da cam ở cấp xã.
- Trong công tác theo dõi và quản lý nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nhà bia ghi tên liệt sĩ, di chuyển và thăm viếng mộ liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ..., Sở đã phối hợp cùng Tỉnh đội thực hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
+ Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) và 135 nhà bia ghi tên liệt sĩ. Tại các NTLS đã quy tập và an táng 3.719 hài cốt liệt sĩ. Từ năm 2013, đã tổ chức đón nhận 54 hài cốt liệt sĩ từ địa phương khác chuyển về; bàn giao 65 hài cốt liệt sĩ chuyển đi địa phương khác; cung cấp thông tin 32 hồ sơ liệt sĩ cho Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho thân nhân liệt sĩ để khớp nối thông tin xác định hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng.
Từ năm 2013 đến nay, đã đề nghị Cục Người có công lấy mẫu sinh phẩm 22 gia đình và mẫu sinh phẩm hài cốt ở NTLS trên địa bàn tỉnh giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Sở phối hợp tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ của Ban Chỉ đạo 515 Quốc gia và của tỉnh; thông tin cung cấp về liệt sĩ, mộ liệt sĩ của các tổ chức, cá nhân, xây dựng kế hoạch thực hiện tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2021-2025.
Sở cũng đã phối hợp xây dựng kế hoạch và tổ chức tìm kiếm, cất bốc quy tập hài cốt liệt sĩ khi đã xác định rõ thông tin trên địa bàn TP Hạ Long, Cẩm Phả năm 2022 - 2023; tiếp nhận cơ sở dữ liệu liệt sĩ về nơi hy sinh, nơi chôn cất ban đầu và thông tin mộ liệt sĩ; phối hợp xác định cụ thể số lượng, thông tin hài cốt và mộ liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập. Chỉ đạo các địa phương đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ và quy trình lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ đề nghị giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, tránh yếu tố tự phát.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho thân nhân liệt sĩ xác định danh tính liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và phương pháp giám định ADN; phấn đấu 100% mộ liệt sĩ trên địa bàn khi xác định được thân nhân sẽ lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; từng bước thống nhất quản lý mộ liệt sĩ, NTLS theo hồ sơ liệt sĩ trên hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ, mộ liệt sĩ.
Hiện nay, các công trình ghi công liệt sĩ luôn được quan tâm, thường xuyên được chăm sóc, bảo vệ chu đáo, đảm bảo khang trang, sạch đẹp và bền vững; đáp ứng nhu cầu thăm viếng của nhân dân, thực sự là nơi để tri ân, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ; đồng thời là nơi để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Tổng các nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương cho công tác tu sửa các công trình ghi công liệt sĩ trong 5 năm qua khoảng trên 40 tỷ đồng.
Đặc biệt năm nay, ngoài việc chỉ đạo các địa phương quan tâm sửa chữa, nâng cấp chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ, tỉnh đã phân bổ 11,500 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Trung ương ủy quyền để nâng cấp, sửa chữa 3 NTLS tại 3 địa phương trên địa bàn tỉnh và tu sửa, xây vỏ mộ liệt sĩ tại các NTLS trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh nguồn kinh phí Trung ương và của tỉnh, các địa phương đã chủ động thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn, đảm bảo khang trang, sạch đẹp. Trong năm 2022, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, tỉnh đã tổ chức sửa chữa khu mộ liệt sĩ Quảng Ninh tại NTLS Quốc gia Trường Sơn và NTLS Quốc gia Đường 9 với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Công trình đặc biệt có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh khi hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay.
- Trân trọng cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Phạm Học (Thực hiện)
- Ngành Giáo dục TP Uông Bí: Lan tỏa phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"
- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm, tặng quà, tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh và gia đình chính sách
- Cơ quan nào lập hồ sơ đề nghị công nhận thương binh?
- Thương binh có lương hưu, hưởng quyền lợi BHYT thế nào?
- Chủ tịch nước ký quyết định tặng quà dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ
Liên kết website
Ý kiến ()