Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:18 (GMT +7)
Thương binh có được hỗ trợ kinh phí xây nhà không?
Thứ 4, 12/10/2022 | 09:19:30 [GMT +7] A A
Ông Hạ Như Ngọc (Vĩnh Phúc) là thương binh hạng 3/4. Nhà của ông xây dựng từ năm 1994 nay xuống cấp trầm trọng. Ông đã làm đơn đề nghị hỗ trợ nhà ở gửi bộ phận Lao động – Thương binh và Xã hội của xã từ tháng 10/2021, tuy nhiên chỉ nhận được câu trả lời là đợi cấp trên giải quyết.
Vừa qua, ngôi nhà của ông Ngọc bị sập phần mái đầu nhà do tre lâu năm mục nát, trời mưa, nước ngập đến ngang giường, do vậy, ông phải vay mượn để xây nhà mới. Ông Ngọc hỏi, sau khi xây nhà, ông có còn được hỗ trợ để trả nợ ngân hàng hay không?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 và Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 27/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg:
Đối tượng được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg là hộ gia đình có người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận (trong đó có đối tượng là thương binh), phải đang sinh sống và có đăng ký hộ khẩu thường trú trước ngày 15/6/2013 tại nhà ở mà nhà ở đó bị hư hỏng nặng phải phá đi xây mới.
Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) là 40 triệu đồng/hộ đối với nhà ở bị hư hỏng nặng phải phá đi xây mới.
Theo Nghị quyết số 46/NQ-CP thì việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg đã kết thúc đến hết ngày 31/12/2019. Bộ Xây dựng đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách này của các địa phương trên cả nước.
Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14.
Ngày 30/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ cải thiện nhà ở là các đối tượng được quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m tại Khoản 1, Điều 3 Pháp lệnh và thân nhân liệt sĩ (trong đó có đối tượng là thương binh).
Việc hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng của người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ được thực hiện theo quy định tại Điều 102 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Quyết định về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương (theo quy định tại Khoản 7, Điều 182 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong Quý IV/2022.
Theo các quy định trên, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định, UBND cấp tỉnh lập, phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở kèm theo danh sách đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ gửi Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Trường hợp hộ gia đình đủ điều kiện thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở theo quy định thì sau khi nhận được tạm ứng kinh phí hỗ trợ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.
Theo baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()