Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:34 (GMT +7)
Thuốc kháng COVID-19 của Pfizer và Meck: Ai có thể dùng và dùng ở thời điểm nào?
Thứ 2, 27/12/2021 | 16:57:35 [GMT +7] A A
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã khuyến nghị các nước thành viên có thể sử dụng hai loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2 là Paxlovid của Pfizer và Molnupiravir của Merck.
Khuyến nghị được đưa ra ngay trước thời điểm EMA nhóm họp để xem xét cấp phép sử dụng chính thức với Paxlovid và Molnupiravir (tên thương mại tại châu Âu là Lagevrio). Điều này đồng nghĩa với việc các bệnh nhân mắc COVID-19 có thể sẽ sớm được tiếp cận với phương pháp điều trị mới ngay tại nhà.
Hai loại thuốc kháng này hứa hẹn sẽ tạo ra bước tiến mới trong cuộc chiến chống đại dịch, khi chứng tỏ được hiệu lực trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao. Với số ca nhiễm mới tại nhiều nước châu Âu tăng nhanh do sự xuất hiện của biến thể Omicron, chính phủ nhiều nước thành viên EU dự kiến sẽ sớm đưa Paxlovid và Molnupiravir vào điều trị cho bệnh nhân ngay sau khi được cấp phép, thương mại hóa nhằm giảm sức ép với hệ thống y tế.
Nhưng Paxlovid và Molnupiravir không phải là thuốc dành cho mọi đối tượng dương tính với SARS-CoV-2. Hai loại thuốc kháng này chủ yếu dùng cho người bệnh thể nhẹ, trung bình và có nguy cơ tiến triển thành bệnh nặng. Cụ thể, đó là người cao tuổi và những người có bệnh nền như bệnh tim, ung thư, tiểu đường vốn thuộc nhóm dễ bị tổn thương trước COVID-19.
Tại Mỹ, Molnupiravir không được cấp phép sử dụng cho trẻ em, bởi thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển, hoàn thiện của bộ xương. Phụ nữ mang thai cũng được khuyến cáo không sử dụng Molnupiravir, do tiềm ẩn nguy cơ sinh con dị tật. Các chuyên gia khuyến cáo không nên dùng Paxlovid với bệnh nhân mắc bệnh thận, gan thể nặng.
Ngoài ra, thuốc này cũng có phản ứng với một số loại thuốc khác khi dùng song song, khiến Paxlovid không phải là lựa chọn tốt nhất với một số nhóm bệnh nhân. Đáng chú ý, cả hai đều không được phép dùng để điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị.
Nghiên cứu bước đầu cho thấy điều trị bằng Molnupiravir và Paxlovid phải được thực hiện sớm, trong khoảng 5 ngày đầu kể từ thời điểm xuất hiện triệu chứng. Những dấu hiệu dễ nhận biết nhất về triệu chứng gồm có ho, đau đầu, sốt, mất vị giác, khứu giác, đau mỏi cơ thể.
Theo Tiến sĩ Cameron Wolfe, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Duke, bang North Carolina (Mỹ), bệnh nhân nên dùng ngay thuốc kháng sau khi có triệu chứng. Bởi nếu chờ đến khi xuất hiện tình trạng khó thở, người bệnh đã đánh mất khoảng “thời gian vàng” mà Paxlovid và Molnupiravir có thể phát huy công hiệu tốt nhất.
Ngày 22/12, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép sử dụng thuốc viên Paxlovid để điều trị tại nhà cho người bệnh COVID-19. Quyết định của FDA đem đến hy vọng trong cuộc chiến chống đại dịch. FDA cho biết thuốc chỉ định cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên, đặc biệt là người dễ chuyển nặng do yếu tố tuổi tác hoặc bệnh nền như béo phì, tiểu đường. Liệu trình điều trị gồm 30 viên Paxlovid và thuốc bổ trợ trong 5 ngày. Liều dùng một lần là hai viên Paxlovid và một viên ritonavir (thuốc kháng HIV) liều thấp. Ritonavir sẽ giúp thuốc Paxlovid tồn tại trong cơ thể với thời gian dài hơn.
Liền sau đó một ngày, FDA cũng đã cấp phép sử dụng đối với thuốc kháng Molnupiravir này ở nhóm đối tượng bệnh nhân lớn tuổi và có nguy cơ cao bệnh trở nặng. Phó chủ tịch cấp cao phụ trách lâm sàng của Merck, ông Nick Kartsonis, khẳng định Molnupiravir có những ưu điểm nhất định so với thuốc của Pfizer dù hiệu quả không bằng. Nổi bật là việc Molnupiravir không yêu cầu một loại thuốc thứ hai dùng kèm để tăng hiệu quả, có thể dùng với nhóm bệnh nhân đặc biệt, bao gồm cả những người mắc bệnh gan, thận thể nặng.
Ở thời điểm hiện tại, cả Paxlovid và Molnupiravir đều được kỳ vọng có được hiệu lực cao trước biến thể Omicron. Đó là bởi hai loại thuốc kháng này không nhằm ức chế protein gai (spike protein), nơi tập trung các đột biến nguy hiểm nhất của Omicron. Hai mẫu thuốc này có cơ chế hoạt động khác biệt nhằm ngăn chặn virus lây nhiễm.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()