Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:17 (GMT +7)
Thủng dạ dày vì thói quen xấu trong ăn uống, sinh hoạt
Thứ 5, 29/12/2022 | 22:03:41 [GMT +7] A A
Hai bé trai vào viện cấp cứu vì đau bụng dữ dội vùng trên rốn, bác sĩ phát hiện dạ dày đã bị thủng.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Minh Hải, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, cho biết gần đây đơn vị xử lý cấp cứu nhiều trường hợp trẻ viêm phúc mạc do thủng dạ dày.
Đáng chú ý, các trường hợp này đều có tiền sử viêm dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa trên nhưng không tuân thủ phác đồ điều trị.
Trường hợp thứ nhất là bé N.N.T.L, 11 tuổi. 8 tiếng trước khi vào viện, bé đau bụng dữ dội vùng trên rốn. Nghĩ con đau dạ dày, gia đình đã mua thuốc cho uống nhưng không đỡ nên đưa đi khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng, có chỉ định mổ cấp cứu nội soi khâu lỗ thủng.
Trong quá trình phẫu thuật nội soi, bác sĩ quan sát thấy ổ bụng trẻ chứa nhiều dịch mủ bẩn, dịch tiêu hóa, phát hiện một lỗ thủng mặt trước dạ dày, ngay sát gan, là vị trí khó khăn. Bệnh nhân được khâu lỗ thủng, lấy dịch bẩn, làm sạch ổ bụng.
Bác sĩ Hải cho biết gia đình thông tin trẻ có thói quen ăn đồ chua cay, mỳ ăn liền, đồ ăn nhanh và hay thức khuya. Đặc biệt, bệnh nhi được chẩn đoán viêm dạ dày từ 2 năm trước nhưng không tuân thủ điều trị, lâu dần ổ loét dạ dày bị thủng.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân V.Đ.T, có tiền sử chảy máu đường tiêu hóa hơn 4 năm nhưng không điều trị. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, kết quả chụp X-quang có hình ảnh liền hơi, chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng. Ngay trong đêm, kíp trực phẫu thuật nội soi cấp cứu khâu lỗ thủng mặt trước môn vị dạ dày cho trẻ.
Dấu hiệu trẻ thủng dạ dày
Theo bác sĩ Hải, thủng ổ loét dạ dày là tình trạng cấp cứu cần xử lý kịp thời. Nếu phát hiện sớm, phẫu thuật nội soi cho kết quả tốt, hồi phục nhanh, thẩm mỹ; nếu phát hiện muộn sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi từ 30-50, những người có thói quen sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, ăn đồ chua, cay nóng, hay căng thẳng kéo dài, lối sống không điều độ, khoa học…
Vị bác sĩ cho biết tình trạng thủng ổ loét dạ dày - tá tràng có xu hướng trẻ hóa, do thói quen ăn uống thiếu khoa học, trong đó có lạm dụng đồ ăn nhanh, ăn muộn không đúng giờ; áp lực, căng thẳng trong học tập, thi cử, thức khuya...
Trẻ thường biểu hiện bằng triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn có thể vật vã kích thích, tím tái nếu đến muộn. Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong.
Thực tế, đau bụng cấp ở trẻ em do nhiều nguyên nhân, như viêm ruột thừa, lồng ruột, thoát vị nghẽn, viêm phúc mạc tiên phát, viêm gan siêu vi, sỏi mật, viêm túi mật, viêm tuỵ, nhiễm giun đũa, giun móc, viêm loét dạ dày, nhiễm trùng đường tiểu hay sỏi tiết niệu...
Thủng dạ dày ở trẻ em không hay gặp. Vì vậy, bệnh lý dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh cấp tính khác.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học cho trẻ. Khi trẻ có các dấu hiệu đau bụng thượng vị (trên rốn), ợ hơi, ợ chua, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám để phát hiện sớm bệnh lý viêm dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng, tránh biến chứng nguy hiểm như thủng ổ loét, chảy máu dạ dày, ung thư.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()