Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:34 (GMT +7)
Thuế, phí nộp đủ, chứng khoán vẫn chập chờn
Thứ 6, 04/06/2021 | 09:28:14 [GMT +7] A A
Nghẽn lệnh, dừng giao dịch, mạng chập chờn là tình trạng của nhà đầu tư khi giao dịch cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong hơn nửa năm qua và chưa biết đến khi nào chấm dứt.
Nhà đầu tư bị biến thành “người mù”
Tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trên HOSE đã diễn ra liên tục từ đầu tháng 12.2020 đến nay. Mới nhất là vào ngày 1.6, HOSE đã phải dừng giao dịch phiên chiều do hệ thống quá tải khi giá trị giao dịch tăng cao.
Liên tục trong 2 ngày sau đó và đến hôm qua 3.6, tình trạng lệnh giao dịch chậm, bảng giá điện tử hiển thị chập chờn vẫn kéo dài ngay từ đầu phiên giao dịch hằng ngày. Thậm chí, hàng loạt công ty chứng khoán đã thông báo đến các nhà đầu tư (NĐT) sẽ tạm ngừng tính năng hủy và sửa lệnh áp dụng cho sàn HOSE nhằm góp phần đảm bảo cho hoạt động được thông suốt.
Việc dừng tính năng này sẽ kéo dài đến khi có thông báo mới. Chị Ngọc Phượng (Q.7, TP.HCM), một NĐT cho hay trong ngày 1.6, vừa nhìn giá khớp VDS là 21.300 đồng/cổ phiếu (CP) nên chị đặt lệnh chờ ở giá 20.900 đồng/CP. Nhưng vừa đặt xong thấy báo khớp lệnh luôn vì giá lúc đó đã tuột xuống 20.500 đồng/CP. Chỉ một cái chớp mắt, chị đã lỗ mất 4 triệu đồng cho một lệnh. Riêng việc các công ty chứng khoán không cho sửa hay hủy lệnh trên sàn HOSE nên chị chỉ dám bán ra cổ phiếu có sẵn rồi chuyển sang mua cổ phiếu trên sàn Hà Nội cho đỡ hồi hộp vì vẫn được sửa, hủy lệnh khi thị trường biến động liên tục.
Giao dịch chập chờn, có thể ngừng bất cứ lúc nào rồi lại không chỉnh sửa, hủy lệnh dù giá thị trường đã thay đổi khiến nhiều người khó kiểm tra được trạng thái lệnh mua và bán của mình đã thực hiện được chưa... Vì vậy, nhiều NĐT ví von như đang trở thành “người mù” trong phiên giao dịch hằng ngày nên rất dễ bị "sụp hố" dù mua hay bán.
Đã từng là thành viên Hội đồng quản trị của Công ty chứng khoán SSI nhiều năm liền và cũng là một NĐT trên thị trường chứng khoán từ khi HOSE hoạt động, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty luật Nghiêm & Chính, nhận định tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE là rất nghiêm trọng, gây thiệt hại cho tất cả thành viên tham gia thị trường này.
Từ NĐT mua hay bán không được đến công ty chứng khoán và thậm chí cả HOSE cũng bị thiệt hại khi ngừng giao dịch. Ông ví von: Cứ tưởng tượng như một con đường đã được làm ra với bề ngang 8 m lúc chỉ có 10.000 xe các loại đi lại thì nay số phương tiện đã tăng lên đến 10 triệu xe mà đường không mở mới thì kẹt xe, khói bụi là dễ hiểu. Điều này cũng tương tự hệ thống giao dịch của HOSE đã hoạt động gần 20 năm mà vẫn không có sự thay thế cho phù hợp với quy mô, tốc độ tăng trưởng của thị trường thì cho thấy tầm nhìn quy hoạch của đơn vị quản lý không có, không tiên liệu được sự phát triển tất yếu này.
Thiệt hại cả ngàn tỉ, ai chịu trách nhiệm?
Ngay sau khi buộc ngừng giao dịch phiên chiều ngày 1.6, lãnh đạo HOSE thông tin dự kiến hệ thống mới đang được FPT điều chỉnh theo hệ thống đang áp dụng cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) để đưa vào thực hiện trên HOSE.
Theo dự kiến, hệ thống mới sẽ được vận hành từ đầu tháng 7. Còn theo thông tin công bố từ FPT, đơn vị này đã hoàn thành việc cài đặt hệ thống phần cứng, bàn giao hệ thống phần mềm cho HOSE để thực hiện kiểm thử nội bộ, và mở rộng việc thử nghiệm với hơn 20 công ty chứng khoán thành viên.
Hiện nay FPT cùng HOSE tiếp tục thực hiện giai đoạn kiểm thử hệ thống trên toàn thị trường cùng tất cả công ty chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và cả HNX. Dự kiến việc kiểm thử này sẽ kết thúc vào ngày 25.6. Kết quả giai đoạn kiểm thử toàn thị trường này sẽ là cơ sở đánh giá hệ thống sẵn sàng đưa vào sử dụng chính thức sau đó. Như vậy trong vòng một tháng nữa, các NĐT bắt buộc phải tiếp tục giao dịch trong tình trạng phập phồng, lo lắng cho những cổ phiếu trên HOSE.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), tỏ ra ngán ngẩm khi nói về tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE. Bởi câu chuyện này từng xảy ra rất nhiều năm về trước, từ tháng 5.2008 đến tháng 1.2018. Nhưng khi đó giá trị giao dịch chưa cao nên không thường xuyên. Như vậy lãnh đạo của HOSE chắc chắn phải nhìn thấy rằng hệ thống giao dịch sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường chứng khoán.
Vì vậy, chính HOSE đã ký hợp đồng triển khai hệ thống giao dịch mới hơn 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. “Giờ HOSE nói sao thì nghe vậy. Hy vọng đến đầu tháng 7, tình trạng này khắc phục được khi hệ thống mới do FPT thực hiện có khả năng xử lý lệnh nhiều hơn, khối lượng giao dịch nhiều hơn. Không chỉ gây thiệt hại cho các NĐT, công ty chứng khoán hay bản thân của HOSE mà tình trạng này kéo dài đã làm giảm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Đồng thời làm giảm cả danh tiếng của Việt Nam vốn cũng được xem là một cường quốc về công nghệ, phần mềm. Tại sao Thái Lan cũng chỉ đi thuê công ty ngoại về xây dựng hệ thống giao dịch chứng khoán nhưng họ vận hành, chuyển giao và kinh doanh (bán lại) hệ thống này khá suôn sẻ nhưng HOSE lại không làm được? Cái chính vẫn là yếu kém về quản trị, về nhân sự”, ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh.
Tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trên HOSE gây thiệt hại cho rất nhiều người và kể cả nền kinh tế. Tình trạng này như kiểu “cha chung không ai khóc” nhưng khi đã gây thiệt hại cho kinh tế, cho nhà nước thì Bộ Tài chính cần phải xử lý, luật sư Bùi Quang Nghiêm.
Năm 2020, HOSE đạt doanh thu gần 993 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 553 tỉ đồng, tăng lần lượt 39% và 46% so với năm 2019. Biên lợi nhuận gộp lên tới 93%, bình quân mỗi ngày HOSE lãi sau thuế hơn 1,5 tỉ đồng. Thuế, phí thu đủ, lợi nhuận tăng vọt nhưng hạ tầng ì ạch khiến nhà đầu tư vô cùng bức xúc. “Thị trường chứng khoán được tính theo giây, theo phút chứ không phải một buổi hay một ngày. Dù khó xác định được con số thiệt hại chính xác là bao nhiêu, cứ mỗi giờ chậm giao dịch hay bị ngừng giao dịch thì thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng thì phải có người chịu trách nhiệm chứ”, luật sư Bùi Quang Nghiêm đặt vấn đề.
Theo Thanh Niên
Liên kết website
Ý kiến ()