Người bệnh thoái hoá khớp không nên ăn nhiều đường, muối, đồ đóng hộp, thức ăn dầu mỡ hay uống rượu bia; nên bổ sung thực phẩm giàu canxi, phospho, kali, omega-3 và vitamin C, D.
Theo PGS.TS Lưu Thị Hiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, dinh dưỡng là một trong những điều kiện cần thiết trong hỗ trợ điều trị và duy trì sức khỏe tốt nhất cho người bệnh. Nếu chế độ ăn không đúng, không những sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị mà còn làm cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
Ngoài việc ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, tim mạch... dinh dưỡng còn góp phần không nhỏ trong việc điều trị cũng như đề phòng nhiều bệnh lý, trong đó có thoái hóa khớp. Ăn uống lành mạnh sẽ giúp cơ thể cải thiện được tối đa tình trạng bệnh này.
Dưới đây là chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh thoái hóa khớp, theo PGS Hiệp.
Các loại thực phẩm người bệnh thoái hóa khớp nên kiêng ăn
Thực phẩm có nhiều đường sẽ gây ra tình trạng viêm, cơn đau sẽ nặng thêm.
Thực phẩm nhiều muối có thể thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Thực phẩm đóng hộp như cá hộp, xúc xích xông khói sẽ gây viêm và tăng quá trình lão hóa.
Thức ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ.
Rượu bia.
Các loại thực phẩm người bệnh thoái hóa khớp nên ăn
Sữa và các sản phẩm của sữa chứa canxi, phospho, vitamin D.
Các thức ăn có chứa acid béo omega-3 như cá, hải sản, nhằm hạn chế sản xuất các cytokine enzyme gây phá vỡ sụn khớp, giúp kháng viêm, giảm sưng khớp.
Cá: là thực phẩm rất tốt trong việc chống lão hóa các tế bào nhờ vào hàm lượng selen (chất chống oxy hóa giúp ngăn tình trạng lão hóa của các tế bào sụn) có trong loài động vật này. Nên ăn các loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá mòi, cá trích.
Các loại hải sản: Hàu có chứa nhiều selen, kẽm, hàm lượng cá nguyên tố vi lượng khác. Các chất này có tác dụng ngăn chặn tác hại gây ra bởi các gốc tự do và từ đó ngăn ngừa thoái hóa khớp.
Các vitamin K, C... có trong rau cải, rau bina, bông cải. Vitamin C có trong đu đủ, ổi, dứa, cam, bưởi, dứa hấu, dâu tây, ớt, chuông, cà chua...
Các loại đậu như đậu bắp, đậu hà lan, đậu trắng, đậu đỏ, đậu nành. Các loại đậu rất giàu kali, giúp chống lại các tác động có hại gây ra bởi chế độ ăn uống trong ngày thường có nhiều acid.
Các loại gia vị chứa nhiều kali không chỉ mang lại hương vị cho thức ăn, chúng còn giúp kích thích nhu động và đặc biệt giúp giảm nhẹ các triệu chứng đau khớp. Nên chọn bột cari, gừng xay, hạt rau mùi, tiêu xay đen, nghệ (một loại gia vị nổi tiếng nhất trong việc điều trị tình trạng viêm và đau khớp, không nên ăn nhiều, một muỗng cà phê bột nghệ mỗi ngày).
Ý kiến ()