Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:45 (GMT +7)
Thực hư giải độc gan bằng các phương pháp dân gian
Thứ 2, 22/08/2022 | 15:25:03 [GMT +7] A A
Nhiều người nghĩ mình bị "nóng gan" với các biểu hiện nổi mụn, ăn không ngon miệng, mẩn đỏ, ngứa ngáy, hơi thở có mùi hôi… đã tìm đến các phương pháp dân gian để giải độc. Liệu các phương pháp này có thực sự đúng như "lời đồn"?
1. Vai trò của gan đối với cơ thể
Trong cơ thể người, gan là cơ quan nội tạng lớn nhất, với vai trò thực hiện các nhiệm vụ quan trọng để duy trì sức khỏe.
Gan là nơi đảm nhận cả vai trò nội tiết và ngoại tiết:
Đào thải độc tố: Những độc tố tan trong mỡ sẽ được tế bào gan phân giải thành những chất kém nguy hiểm hơn hoặc dễ tan trong nước hơn. Đào thải độc tố được xem là chức năng chính yếu nhất của gan.
Sản xuất mật: Tế bào gan là nơi sản sinh dịch mật và dự trữ chúng trong các túi mật. Với các bệnh nhân bị cắt túi mật thì lượng mật sản xuất ra sẽ được đổ trực tiếp vào khúc II tá tràng mà xuống ruột luôn. Dịch mật theo đường ống mật đi xuống tá tràng để hòa trộn vào thức ăn, thực hiện nhiệm vụ nhũ hóa chất béo, cholesterol, một số loại vitamin để ruột non dễ hấp thụ.
Mỗi ngày gan tiết ra 0,5 lít mật. Thành phần của mật bao gồm: Muối mật, sắc tố mật, cholesterol, bilirubin, chất điện giải và nước...
Lưu trữ các chất: Gan là "ngôi nhà" dự trữ rất nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin A, D, E, K, B12... Thời gian các vitamin tồn tại "dự phòng" trong gan có thể đến vài năm.
Chức năng chuyển hóa: Gan lưu trữ carbohydrate dưới dạng glycogen và chuyển hóa chúng thành glucose khi cơ thể cần để hấp thu vào máu, cân bằng lượng đường huyết, cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động. Ngoài ra, gan còn có chức năng chuyển hóa protein, lipid…
Chức năng tổng hợp: Gan tổng hợp các yếu tố đông máu, tổng hợp hormone angiotensinogen, tổng hợp albumin...
2. Giải độc gan như thế nào?
Trong cuộc sống hiện nay gan phải tiếp xúc với quá nhiều độc tố như ô nhiễm môi trường, các loại thuốc, các thực phẩm độc hại hằng ngày… Chưa kể áp lực cuộc sống, stress, lối sống ít vận động… cũng là những nhân tố khiến gan bị suy yếu và dễ bị nhiễm độc. Vì vậy cần phải thải độc cho gan, lấy lại cân bằng cho các hoạt động chức năng của gan.
Để giải độc cho gan có thể áp dụng các biện pháp không dùng thuốc như thay đổi lối sống, sinh hoạt lành mạnh, tránh các thực phẩm nhiễm độc, nhiễm bẩn, thực phẩm gây hại cho gan như thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến công nghiệp, chứa nhiều transfat… Sinh hoạt điều độ, khoa học, tránh căng thẳng, tránh thức khuya, tiêu thụ các thực phẩm hữu cơ, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho sức khỏe lá gan, thực phẩm tươi, chế biến bằng cách hấp luộc, ít muối, hạn chế ăn đồ béo, nhiều dầu mỡ, nhiều muối…
Khi bị nhiễm độc nặng gan cần được giải độc tại các cơ sở y tế có đủ các phương tiện trang thiết bị máy móc để giải độc gan
3. Dùng các phương pháp dân gian giải độc gan có an toàn?
Theo ThS. BS. Nguyễn Quang Dương – Phụ trách khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh, một số loại thuốc nam như cà gai leo, atiso, diệp hạ châu, nhân trần, mã đề, hoa cúc, mật nhân, cỏ nhọ nồi, diếp cá… có tác dụng tốt đối với hoạt động của gan. Khi sử dụng đúng, với liều lượng thích hợp sẽ có hiệu quả thanh nhiệt, mát gan, giải độc…
Các loại nước uống như nước đậu xanh, nước bí đao, nước rau má, nước đậu đen, trà xanh, nước râu ngô… cũng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giúp mát gan.
Ngoài ra, các phương pháp như tập yoga, dưỡng sinh giúp lưu thông khí huyết, làm khí huyết đến gan được tốt hơn, từ đó hoạt động chức năng của lá gan cũng được cải thiện. Xông hơi cũng giúp thải độc cho cơ thể qua con đường tiết mồ hôi.
Tuy nhiên, theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương không phải cứ dùng nhiều, dùng hằng ngày, liên tục trong thời gian dài, dùng nhiều loại thuốc nam khác nhau để giải độc gan, vì có thể bị tác dụng ngược. Gan phải tiếp nhận quá nhiều loại thuốc nam, phải chịu tác động do tương kỵ giữa các loại thuốc nam nên dễ suy yếu và dễ bị nhiễm độc, thậm chí nếu dùng lâu dài có thể bị teo gan, ví dụ, cây nhân trần dùng 6 tháng liên tục liều cao có thể gây teo tế bào gan.
Vì vậy, tuy các loại thuốc nam có tác dụng nhất định đối với chức năng của gan, nhưng người dân không nên dùng bừa bãi và lạm dụng, không theo chỉ dẫn của thầy thuốc y học cổ truyền. Dùng như vậy có thể gây hại cho chính lá gan của mình.
Khi có các biểu hiện "nóng" gan người bệnh cần đến khám để được các bác sĩ y học cổ truyền tư vấn và chỉ định dùng thuốc chính xác, phù hợp, giúp giải độc gan bằng phương pháp dân gian có hiệu quả thực sự.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()