Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 10:49 (GMT +7)
Thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể, xây dựng đất nước hùng cường
Thứ 5, 20/04/2023 | 11:42:26 [GMT +7] A A
Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ...
Sáng 20/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với chủ đề “Tư duy mới-tầm nhìn mới-cơ hội mới-giá trị mới.”
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các đối tác phát triển, các doanh nghiệp; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã công bố nội dung chủ yếu Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Quy hoạch định hướng mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững; hình thành các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
Chỉ tiêu kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Tầm nhìn đến năm 2050, nước ta là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh. Phát triển các vùng hài hòa, bền vững.
Giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn, phát huy. Môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hòa với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng cácbon thấp; phấn đấu nhanh nhất đạt mục tiêu giảm phát thải ròng của quốc gia về “0” vào năm 2050. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2031-2050 đạt khoảng 6,5-7,5%/năm.
Theo Quy hoạch, phát triển không gian kinh tế-xã hội theo 6 vùng kinh tế-xã hội gồm Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với đó, phát triển 4 vùng động lực quốc gia: Vùng động lực phía Bắc, vùng động lực phía Nam, vùng động lực miền Trung và vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030: Hành lang kinh tế Bắc-Nam và 2 hành lang kinh tế Đông-Tây là Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh-Vũng Tàu…
Quy hoạch cũng định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; định hướng phát triển không gian biển; định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng; định hướng phát triển hạ tầng cấp quốc gia…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng và được xây dựng dựa trên Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thông qua tại Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022.
Theo Thủ tướng, tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trung ương coi đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ.”
Quy hoạch tổng thể quốc gia là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Đây là căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy các địa phương.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là căn cứ pháp lý, công cụ để đẩy nhanh việc thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở phát triển, gây khó khăn cho việc huy động các nguồn lực của doanh nghiệp và người dân, phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển của cả đất nước, của từng vùng và từng địa phương với tầm nhìn dài hạn, tổng thể.
Sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Chính phủ ban hành, triển khai.
Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Trong đó, phải quán triệt nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia để thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị; rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia vào các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh đã phê duyệt hoặc đang thẩm định, đang lập, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp quy hoạch.
Cùng với đó, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể quốc gia, nhất là tập trung nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai các dự án theo Nghị quyết số 81/2023/QH15.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia về: cơ chế, chính sách; thu hút đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực; chăm lo công tác an sinh xã hội; khoa học, công nghệ và môi trường; nguồn lực tài chính thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; bảo đảm quốc phòng, an ninh…
"Việc thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng; đời sống nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no," Thủ tướng nhấn mạnh.
Để triển khai hiệu quả Quy hoạch tổng thể quốc gia, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu tại Nghị quyết này; chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của bộ, cơ quan Trung ương và của địa phương mình; kịp thời xử lý vấn đề phát sinh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc giám sát, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương mình.
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được giao chủ trì ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội, trình cấp có thẩm quyền theo đúng thời hạn yêu cầu; trong đó xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đầu ra đối với từng nhiệm vụ và phân công các đơn vị thực hiện.
Cùng với đó, khẩn trương hoàn thành việc lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong năm 2023, đảm bảo phù hợp, thống nhất và đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo việc rà soát các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch nếu có mâu thuẫn với quy hoạch cao hơn thì trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch cho chủ trương điều chỉnh. Việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp có mâu thuẫn với quy hoạch cao hơn thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Các bộ, ngành, tỉnh, thành phố kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; định kỳ hằng năm, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện bằng văn bản, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp chặt chẽ với cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tăng cường giám sát thực thi công vụ, phản biện xã hội và đóng góp ý kiến, góp phần tạo đồng thuận trong công tác tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xác định tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao; định kỳ hằng năm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
“Việc triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ rất nặng nề. Chính phủ mong nhận được sự quan tâm phối hợp chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cũng như sự quan tâm, đồng hành của các đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương đã thực hiện nghi thức khai trương Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
Bên lề hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức triển lãm ảnh "Việt Nam đất nước, con người"./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()