Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 04:37 (GMT +7)
Thực hiện tốt chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật
Thứ 4, 05/07/2023 | 22:18:58 [GMT +7] A A
Chủ trì cuộc làm việc về công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV vào chiều nay 5/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào ngày 21/8, tại thành phố Hải Phòng.
Hội nghị do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tổ chức, cơ quan phối hợp là Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
"Nội dung chính của hội nghị lần này sẽ tập trung vào các luật, đặt trọng tâm, trọng điểm là các luật có nhiều nội dung quan trọng, phức tạp, có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành và các nghị quyết liên quan cơ chế, chính sách đặc thù, các nghị quyết về công tác tư pháp, nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Tham dự cuộc làm việc các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Các ý kiến của đại biểu đều nhất trí rất cao với việc tổ chức hội nghị, nhấn mạnh đây là điểm mới của Quốc hội khóa XV, có ý nghĩa quan trọng, là một trong những biện pháp để Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cơ quan dân cử địa phương giám sát từ sớm, từ xa việc tổ chức thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua. Các ý kiến tập trung thảo luận về phạm vi, trọng tâm các nội dung cần rà soát, đánh giá, báo cáo, xem xét tại hội nghị; cách thức tổ chức hội nghị và thành phần tham dự nghị để bảo đảm hiệu quả thiết thực của hội nghị.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, về phạm vi, nội dung, Chủ tịch Quốc hội nhất trí tập trung vào các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, trong đó loại trừ các nghị quyết đã có chuyên đề giám sát vừa qua hoặc đã được Quốc hội quyết định sẽ giám sát trong thời gian tới (như Nghị quyết số 43 về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội hay Nghị quyết về các công trình, dự án trọng điểm quốc gia...), các nghị quyết về nhân sự, các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 đã yêu cầu rà soát hệ thống pháp luật, vấn đề nào không thống nhất, còn chồng chéo, mâu thuẫn, định hướng xử lý, tháo gỡ như thế nào để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Nhấn mạnh “đây là công việc đòi hỏi phải rất công phu”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định thành lập một tổ công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm tổ trưởng để thực hiện nhiệm vụ này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổ công tác và Chính phủ chủ động phối hợp rà soát cả các luật, nghị quyết, các văn bản có khả năng sơ hở, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, tham nhũng, những nội dung còn bất cập.
Về cách thức tổ chức, Chủ tịch Quốc hội nhất trí có 2 báo cáo lớn.
Cụ thể, đó là báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày, tập trung đánh giá tình hình và kết quả triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5; số lượng, danh mục, tiến độ và kết quả ban hành các nghị định, các văn bản hướng dẫn thi hành và việc bố trí các nguồn lực thực hiện luật, nghị quyết.
Bên cạnh đó, báo cáo cần đánh giá khả năng triển khai kịp thời các luật, nghị quyết theo hiệu lực đã được Quốc hội quyết định, nhất là những luật phức tạp, nhiều văn bản hướng dẫn như Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)..., từ đó đưa ra kiến nghị, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Nội dung quan trọng nữa là báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội trình bày, tập trung vào các nội dung trên nhưng đánh giá chung về công tác triển khai luật, nghị quyết từ góc độ của Quốc hội và đánh giá bao trùm cả đối với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Cùng với đó là tham luận của các cơ quan của Quốc hội, bộ, ngành, địa phương về các nội dung trọng tâm của hội nghị, nhất là những đề xuất, kiến nghị để bảo đảm các luật, nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống, phát huy cao nhất hiệu quả phục vụ sự phát triển của đất nước, vì lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện chủ trương chung về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Trung ương xác định khâu ban hành luật pháp, nghị quyết với khâu tổ chức quán triệt, thi hành các luật, nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thực hiện chủ trương chung về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Trung ương xác định khâu ban hành luật pháp, nghị quyết với khâu tổ chức quán triệt, thi hành các luật, nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trung ương đã có những đổi mới rất mạnh mẽ cả trong khâu ban hành và khâu quán triệt, tổ chức triển khai các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội đề cập nội dung phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung báo cáo Quốc hội về việc sẽ tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 5; đồng thời rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, dư luận đánh giá cao chủ trương tổ chức hội nghị này và cho rằng đây là “việc làm chưa có tiền lệ nhưng đặc biệt quan trọng và cần thiết, phải được tổ chức chu đáo, khẩn trương” để hiện thực hóa yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Ngay sau Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành kế hoạch chuẩn bị tổ chức hội nghị.
Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp các cơ quan khẩn trương chỉ đạo việc chuẩn bị xây dựng các báo cáo tại Hội nghị; khảo sát các điều kiện tổ chức Hội nghị; xây dựng dự kiến chương trình chi tiết; xây dựng dự thảo Kế hoạch của Văn phòng Quốc hội về phục vụ tổ chức Hội nghị, phân công cụ thể nhiệm vụ của từng đơn vị liên quan; tổ chức các cuộc họp để trao đổi, thống nhất về công tác chuẩn bị nội dung và điều kiện bảo đảm hội nghị này được tổ chức thành công.
Trên cơ sở ý kiến kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiếp tục hoàn thiện kế hoạch tổ chức hội nghị, rà soát các công tác chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm tổ chức thành công hội nghị quan trọng này.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()