Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 14/01/2025 00:24 (GMT +7)
Thực hiện tinh giản biên chế trong ngành GD&ĐT
Chủ nhật, 20/02/2022 | 10:25:50 [GMT +7] A A
Bám sát Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC, ngành GD&ĐT Quảng Ninh tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn. Qua đó, góp phần đổi mới năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực điều hành quản lý của chính quyền.
Theo số liệu thống kê, năm 2021, ngành GD&ĐT Quảng Ninh có số lượng người làm việc lớn nhất, với trên 20.150 chỉ tiêu, chiếm 83% tổng số lượng người làm việc của tỉnh. Trong giai đoạn 2015-2021, ngành GD&ĐT từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai các giải pháp tinh giản hiệu quả, ổn định, phù hợp theo đúng quy định. So với năm 2015, đến năm 2021, toàn tỉnh giảm 34 trường công lập, tư thục tăng 20 trường; thực hiện sáp nhập một số trường tiểu học, THCS có số học sinh ít, địa bàn nhỏ trong cùng đơn vị cấp xã, hoặc sáp nhập các trường THCS của 2 đơn vị cấp xã gần nhau.
Bên cạnh đó, thực hiện giảm 61 điểm trường, 186 lớp học, gắn với thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh ăn bán trú, nội trú theo Nghị quyết 204/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Song song với việc thực hiện hiệu quả chủ trương tinh giản biên chế của Trung ương và của tỉnh, ngành GD&ĐT đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật như nhiều năm liên tiếp có học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, đoạt giải trong các cuộc thi khu vực và quốc tế. Quảng Ninh là tỉnh có số học sinh giành vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia nhiều nhất cả nước (3 học sinh/4 lần dự trận chung kết); thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có kết quả điểm trung bình đạt 6,29 xếp thứ 36/63 tỉnh/thành, tăng 14 bậc so với năm trước. Quảng Ninh đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 năm 2020.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Quảng Ninh tiếp tục xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách giai đoạn 2022-2025, gắn với nâng cao năng lực tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với chủ trương thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Quyết Tiến cho biết: Bám sát theo chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh sẽ không thực hiện cào bằng tinh giản biên chế, không cắt giảm cơ học, mà phải xuất phát từ tình hình thực tiễn của từng địa phương, đặc thù vùng miền, gắn với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, tập trung vào những vùng, địa phương, đơn vị có đủ điều kiện. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có một số ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện việc sáp nhập các phòng, ban, đơn vị, nâng cao tính tự chủ.
Để đảm bảo lộ trình tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh tập trung huy động tối đa nguồn lực xã hội ở những nơi có điều kiện; hỗ trợ cho vùng khó khăn. Các cấp, ngành, địa phương tích cực thực hiện đánh giá kỹ hiệu quả các mô hình giáo dục tư thục trên địa bàn để có giải pháp căn cơ, khuyến khích phát triển, nhân rộng mô hình giáo dục chất lượng cao ngoài công lập ở địa bàn thuận lợi. Đối với các trường tư thục đang hoạt động, có cơ chế khuyến khích và yêu cầu đổi mới, xây dựng mô hình chất lượng cao để tự khẳng định vai trò của trường tư thục, phát triển bền vững đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, nghiên cứu thí điểm cho thuê một số cơ sở giáo dục ở những địa bàn thuận lợi để khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội, dành biên chế cho các vùng khó khăn. Qua đó giải quyết được tình trạng thừa phòng học do thiếu giáo viên biên chế, trong khi nhu cầu học tập của nhân dân còn nhiều, đảm bảo nguyên tắc tạo điều kiện tất cả học sinh đều được đến trường. Đồng thời, thực hiện rà soát, lựa chọn các trường ở khu vực thuận lợi để xây dựng mô hình trường học cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tỉnh quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để các trường đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao; bố trí các trường vệ tinh xung quanh đảm bảo nhu cầu học tập chính đáng, đảm bảo chất lượng giáo dục cho học sinh trên địa bàn. Trước mắt, trong năm học 2021-2022 hoàn thành và phê duyệt Đề án tự chủ của 7 trường THPT: Lớp cận chuyên của Trường THPT Chuyên Hạ Long, THPT Hòn Gai, THPT Hoàng Quốc Việt, THPT Uông Bí, THPT Bạch Đằng, THPT Cẩm Phả, THPT Trần Phú theo đúng chỉ đạo.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()