Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:22 (GMT +7)
Thực hiện Luật Trật tự, ATGT đường bộ năm 2024: Tăng sự đảm bảo an toàn cho trẻ em
Thứ 5, 02/01/2025 | 09:57:25 [GMT +7] A A
Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, với nhiều sự thay đổi về các quy định liên quan đến phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ, trong đó có nhiều quy định mới về việc chở trẻ em trên xe nhằm đảm bảo an toàn, giảm chấn thương nặng cho trẻ nếu không may xảy ra va chạm giao thông, đồng thời nâng cao trách nhiệm gia đình trong việc giáo dục, nâng cáo ý thức chấp hành pháp luật giao thông.
Thắt dây đai an toàn hoặc sử dụng ghế ngồi, đệm ngồi thiết kế riêng cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe ô tô là một hành động rất nhỏ để đảm bảo an toàn cho trẻ, nhưng rất ít người thực hiện. Nhiều phụ huynh cho rằng việc cho con ngồi ghế sau mà không cần ghế ngồi, đệm ngồi thiết kế riêng cho trẻ giúp các cháu được thoải mái; việc thắt dây an toàn khi lưu thông trong nội thị là không cần thiết vì tốc độ thường ở mức trung bình từ 30-50km... Tuy nhiên thực tế cho thấy, không ít trường hợp khi xảy ra va chạm giao thông, trẻ em ngồi trên xe bị thương nặng, thậm chí tử vong, mà nguyên nhân là không thắt dây an toàn hoặc thắt dây an toàn không đúng cách.
Khoản 7 Điều 5 Luật Trật tự, ATGT đường bộ năm 2024 quy định, thành viên trong gia đình có trách nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở thành viên khác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sử dụng dây đai an toàn, ghế dành cho trẻ em hoặc có người lớn ngồi cùng trẻ em phía sau khi chở trẻ em dưới 6 tuổi bằng xe gắn máy, xe mô tô.
Tại khoản 3 Điều 10 (có hiệu lực từ ngày 1/12026) quy định, khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.
Đây đều là những quy định mới hoàn toàn của Luật Trật tự, ATGT đường bộ năm 2024. Việc không cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe là một biện pháp phòng ngừa quan trọng, giúp giảm thiểu rủi ro trong trường hợp xảy ra va chạm. Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vị trí ngồi sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ em, giảm nguy cơ bị thương so với để trẻ ngồi ở vị trí cùng hàng ghế với người lái xe (vị trí nguy hiểm nhất trên xe ô tô, nhiều hãng xe đã in khuyến cáo trẻ em không được ngồi ở vị trí này). Nghiên cứu cũng cho thấy, khi dùng thiết bị an toàn, nguy cơ chấn thương trẻ ngồi ghế sau giảm 14% so với trẻ ngồi ghế trước.
Chị Vũ Thị Hảo (khu 1, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) cho biết: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nắm bắt, tìm hiểu một số quy định mới về đảm bảo ATGT cho trẻ em khi đi xe ô tô, xe máy. Bản thân tôi trước kia cứ nghĩ việc để các con ngồi ghế sau có người lớn ngồi cùng trông coi là đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, khi tìm hiểu mới biết những nguy cơ chấn thương cao hơn nếu không có thiết bị an toàn phù hợp khi xảy ra va chạm. Hiện tôi cũng tìm mua thiết bị an toàn phù hợp với độ tuổi các con trên tinh thần đảm bảo an toàn nhất cho con em mình.
Đối với xe mô tô, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33, người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở trẻ em dưới 12 tuổi thì được chở tối đa hai người. Quy định cho phép chở hai người khi chở trẻ em dưới 12 tuổi giúp phụ huynh dễ dàng đưa con cái đi cùng, việc giảm độ tuổi tối đa từ 14 tuổi xuống 12 tuổi cho thấy sự nỗ lực của cơ quan nhà nước trong việc đặt ra các chính sách an toàn giao thông, nhằm bảo vệ trẻ em tốt hơn khi tham gia giao thông.
Đối với ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non và học sinh, ngoài việc phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật, xe còn phải đáp ứng yêu cầu điều kiện về an toàn, phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh và cảnh báo chống bỏ quên trẻ em, học sinh trên xe; các yêu cầu về niên hạn, màu sơn, người quản lý đi cùng, kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách. Đây là các quy định mới của luật về ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non và học sinh, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của nhà nước đối với an toàn giao thông cho trẻ em, nhất là trong hoạt động đưa đón trẻ em, học sinh sau nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra trên thực tế.
Việc thực hiện nghiêm túc các quy định an toàn giao thông sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và tạo ra môi trường an toàn hơn cho trẻ em trong quá trình di chuyển. Mỗi gia đình nên chủ động trang bị các kiến thức giao thông đường bộ, chấp hành nghiêm các quy tắc an toàn giao thông, không chỉ đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông mà còn làm gương cho các em học tập, xây dựng văn hoá giao thông ngay từ khi còn nhỏ.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()