Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:44 (GMT +7)
Thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển doanh nghiệp
Thứ 2, 13/02/2023 | 16:08:03 [GMT +7] A A
Theo thống kê, đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có trên 2.200 đơn vị doanh nghiệp thành lập mới (tăng 7,6% so với năm trước và vượt 10% kế hoạch năm), hơn 910 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 16% so với năm 2021); tổng số doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc hiện có trên địa bàn tỉnh là hơn 17.300 đơn vị với tổng số vốn đăng ký đạt 385.550 tỷ đồng. Mục tiêu tỉnh đặt ra trong năm 2023 là phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ.
Tỉnh Quảng Ninh luôn kiên định mục tiêu lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể; bảo đảm hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, con người. Tỉnh cũng xác định phải chăm lo xây dựng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân tỉnh lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng; có ý thức chính trị, văn hóa kinh doanh, am hiểu pháp luật; có trách nhiệm xã hội cao và có đủ năng lực, trình độ, uy tín để thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình hội nhập quốc tế.
Với quan điểm đó, Quảng Ninh luôn chú trọng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt đề cao quan điểm 5 “thật” (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật) và 6 “dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung); đề cao trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ngành, địa phương; đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện, giải quyết nhanh chóng các TTHC cho người dân, doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, các hợp tác xã theo phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm tốt”, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường, giải phóng mặt bằng, vật liệu san lấp...
Nhờ quyết tâm chính trị cao và những giải pháp cụ thể, đồng bộ, Quảng Ninh đã nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Điều này được thể hiện rõ nét qua vị trí dẫn đầu liên tiếp nhiều năm của tỉnh trong các bảng xếp hạng cải cách như PCI, PAR Index, SIPAS… Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng thêm vững tin, đồng hành cùng tỉnh trong tiến trình phát triển, đóng góp tích cực và tăng trưởng GRDP, thu ngân sách nhà nước, phát triển tổng thể KT-XH. Nhờ đó, năm 2022 vừa qua, tỉnh đã hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu phát triển KT-XH, giữ vững đà tăng trưởng trên 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022); thu ngân sách nhà nước đứng tốp đầu cả nước.
Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu sẽ thành lập mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 1 tỷ USD vào các KCN, KKT. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ những ngày đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và các sở, ngành, địa phương triển khai mạnh các giải pháp để thực chất hơn nữa công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào tỉnh.
Trong đó, một số nội dung được chú trọng tập trung, ưu tiên thực hiện ngay là hỗ trợ, tháo gỡ tối đa các khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhằm khơi thông điểm nghẽn về huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư, khu vực dân doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh và chuyển đổi hộ cá nhân sản xuất, kinh doanh thành doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Đặc biệt, tỉnh cũng đặt ra quyết tâm rất cao trong công tác đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất, có hiệu quả thực tế đo đếm được; giải quyết triệt để, thấu đáo các ý kiến kiến nghị chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp. Đánh giá về nội dung này, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Thời gian qua, quan điểm đi đến cùng, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện một cách triệt để, tích cực. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã trả lời, giải đáp tương đối thấu đáo và kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong nhiều nội dung, như: Thị trường vốn; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến chế tạo; hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh du lịch, dịch vụ... Phía cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân rất mong muốn trong năm 2023 này sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả từ tỉnh và các sở, ngành, địa phương. Từ đó cộng đồng doanh nghiệp có thêm cơ sở và động lực để ổn định và phát triển mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng tỉnh trong chặng đường phát triển mới.
Nhờ nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, quyết liệt, trong tháng 1/2023, toàn tỉnh đã có 151 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc thành lập mới, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022; số vốn đăng ký đạt 315 tỷ đồng. Cũng ngay trong tháng đầu của năm, trên địa bàn tỉnh có 240 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tập trung chính vào các ngành nghề: Bán buôn bán lẻ (36%), du lịch và cho thuê máy móc thiết bị (12%), công nghiệp chế biến, chế tạo (7%) và khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn (3%)…
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()