Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:12 (GMT +7)
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Đầu tư theo hướng chuyên sâu
Thứ 5, 10/06/2021 | 08:51:00 [GMT +7] A A
Năm 2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1396/QĐ-UBND "Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015- 2020, định hướng đến năm 2030”. Thực hiện Đề án, các ngành, địa phương của tỉnh đã có nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp, mang lại những thay đổi quan trọng lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Nông nghiệp của tỉnh đang được phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; hình thức tổ chức tiên tiến gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa dịch vụ...
Cơ cấu lại các lĩnh vực
Để tạo chuyển biến trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, các ngành, địa phương của tỉnh đã chú trọng cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, chuyển tăng trưởng dựa vào tăng số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng; tăng những ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi.
Tỉnh rà soát, cơ cấu các loại cây trồng chủ lực, xây dựng thương hiệu sản phẩm và xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của các địa phương, nhất là cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng hằng năm, cây trồng lâu năm.
Từ năm 2017-2020, các địa phương đã chuyển đổi khoảng 3.160ha. Tiêu biểu như mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngô cao sản, ngô sinh khối tại các huyện Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà... cho lợi nhuận cao hơn trồng lúa trên 10 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng dong riềng tại huyện Bình Liêu cho lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa trên 25 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng lúa sang trồng vải chín sớm tại TP Uông Bí cho thu nhập bình quân 127 triệu đồng/ha/năm...
Tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung về trồng trọt, như: Vùng cây ăn quả gần 2.430ha; vùng trồng hoa 137ha; vùng trồng lúa chất lượng cao 4.370ha; vùng trồng cây dong riềng 405ha; vùng trồng chè tập trung 844ha; vùng trồng rau 378ha. Trong đó có khoảng 900ha đã và đang triển khai theo mô hình VietGAP. Tại TX Đông Triều và TX Quảng Yên đã tiến hành dồn điền đổi thửa được 831ha.
Các địa phương cũng cơ cấu lại chăn nuôi, chuyển dịch chăn nuôi tập trung trang trại từ vùng có mật độ dân số cao đến vùng có mật độ dân số thấp, hình thành các khu chăn nuôi tập trung xa thành phố và khu dân cư. Tỉnh hình thành các cùng chăn nuôi trọng điểm: Vùng chăn nuôi lợn ở Móng Cái; vùng chăn nuôi gà ở Tiên Yên; các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Toàn tỉnh hiện có 240 trang trại chăn nuôi.
Lâm nghiệp chuyển dần từ phương thức sản xuất quảng canh sang thâm canh; đẩy mạnh trồng rừng kinh tế để nâng cao năng suất, chất lượng. Từ năm 2017-2020, toàn tỉnh trồng hơn 46.300ha rừng; sản phẩm gỗ khai thác từ rừng trồng khoảng 380.500m3/năm. Đặc biệt, đã quy hoạch phát triển ngành thủy sản, xác định 6 vùng nuôi trồng tập trung gắn với sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Phát triển các hình thức sản xuất
Cùng với cơ cấu lại các lĩnh vực nông nghiệp; để gắn phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp với thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm sản xuất trở thành hàng hóa, những năm qua, các ngành, địa phương của tỉnh chú trọng phát triển các hình thức sản xuất. Toàn tỉnh hiện có 96 tổ hợp tác, 352 hợp tác xã. Tỉnh đã sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước trong nông nghiệp; đang hoàn thiện phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp; chuyển dịch đổi mới mô hình hoạt động của 4 đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần.
Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn được đẩy mạnh. Hằng năm, tỉnh đều ban hành quyết định về danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư. Từ năm 2016 đến nay đã có 20 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký 4.383,56 tỷ đồng; 31 dự án được chấp thuận địa điểm nghiên cứu, lập quy hoạch.
Các mô hình liên kết được hình thành. Đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, bước đầu cho hiệu quả, như: Công ty TNHH Đầu tư sản xuất nông nghiệp VinEco - Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn BIM, Công ty CP Thủy sản Việt Úc, Công ty Thủy sản N.G Việt Nam... Một số doanh nghiệp lớn mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, như: Công ty CP Xây dựng Việt Long, Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường... Qua đó giúp tỉnh từng bước phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, tỉnh đang hỗ trợ Tập đoàn TH xác định địa điểm và triển khai đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết với người dân huyện huyện Đầm Hà, tổng diện tích 356,8ha.
Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã góp phần xây dựng được 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, bước đầu xuất hiện các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn.
Sự linh hoạt của tỉnh và các địa phương trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian qua giúp giá trị sản xuất toàn ngành tăng 7,33%/năm; giá trị sản phẩm bình quân trên 137,6 triệu đồng/ha canh tác/năm; thu nhập bình quân khu vực nông thôn của tỉnh tăng từ 35 triệu đồng năm 2017 lên 45 triệu đồng năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0,36%. Đến hết năm 2019, tỉnh hoàn thành mục tiêu đưa 23 xã, 56 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành chương trình 135 trước 1 năm so với kế hoạch.
Thu Nguyệt
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT): “Thủy sản phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại” Thời gian tới, ngành Thủy sản tiếp tục xác định phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại và bền vững; nâng cao tỷ trọng giá trị sản lượng nuôi trồng thủy sản, có các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi hợp lý. Ngành tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái và phục hồi nguồn lợi thủy sản, từng bước nâng cao đời sống ngư dân, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên vùng biển, hải đảo. Ngành đang tập trung triển khai 4 nhóm giải pháp chính là: Thu hút và phát huy mọi nguồn lực, tái cơ cấu đầu tư phát triển kinh tế thủy sản; phát triển nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống; xây dựng hệ thống cơ sở hậu cần nghề cá đồng bộ, hiện đại gắn với công nghiệp phụ trợ và liên kết chặt chẽ với các vùng nuôi trồng tập trung, vùng đánh bắt trọng điểm của tỉnh; ứng dụng KHCN và đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực thủy sản. |
Ông Vi Quốc Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên: “Phát huy thế mạnh để phát triển bền vững” Tiên Yên có tổng diện tích đất tự nhiên trên 65.208ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 75%; bờ biển dài trên 35km, diện tích bãi triều lớn trên 13.000ha, thuận lợi cho nuôi trồng, khai thác thủy sản và phát triển dịch vụ cảng biển; 67,5% lao động có thu nhập chính từ nông, lâm sản. Với lợi thế điều kiện tự nhiên và truyền thống canh tác, huyện phát triển nhiều sản phẩm là đặc sản địa phương, phát huy thế mạnh từng vùng để phát triển hình thành các vùng sản xuất tập trung. Huyện có 29 sản phẩm được chấp thuận tham gia chu trình OCOP, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm 3 sao. Huyện xác định thời gian tới cần chuyển đổi mạnh mẽ sang liên kết sản xuất theo chuỗi, ứng dụng KHCN cao trong sản xuất, chế biến, gia tăng giá trị sản xuất là điều rất quan trọng để sản xuất hiệu quả, bền vững, đáp ứng được yêu cầu thị trường. Cùng với đó, huyện khẩn trương thực hiện và đề xuất các nhiệm vụ khoa học; đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... |
Ông Vũ Ngọc Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiền An, TX Quảng Yên: “Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất” Nông nghiệp của xã hiện có sự tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần tích cực vào phát triển nông thôn. Tốc độ phát triển bình quân ngành nông nghiệp đạt 3,6%/năm, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ xã đề ra; xây dựng được vùng sản xuất rau tập trung 196ha, vùng trồng cây ăn quả tập trung 90ha. Xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Mặc dù vậy, nông nghiệp địa phương đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Để khắc phục, xã tiếp tục quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp thời gian tới, trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Xã xác định, phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể, làm cơ sở để phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị... |
Ông Bùi Văn Trình, Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp, Hội Nông dân xã Vạn Ninh, TP Móng Cái: “Ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao” Khu vực nuôi tôm của các hộ dân xã Vạn Ninh đều nằm trong quy hoạch nuôi trồng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trước đó, với mô hình nuôi tôm truyền thống, năng suất chất lượng sản phẩm chưa cao, môi trường nước xung quanh cũng bị ảnh hưởng lớn. Để giải quyết bài toán trên, những năm gần đây, nhiều hộ gia đình đầu tư ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chất lượng môi trường nước được duy trì tốt, đảm bảo cho tôm sinh sống, hạn chế dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường. Toàn bộ quy trình nuôi tôm đều được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định về an toàn trong lĩnh vực thủy sản. Chúng tôi sẽ tiếp tục giải pháp này để phát triển nuôi tôm trên địa bàn thời gian tới. |
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()