Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:30 (GMT +7)
Thực hiện công tác thanh tra toàn diện - trọng điểm - hiệu quả
Thứ 5, 14/09/2023 | 06:15:10 [GMT +7] A A
Với sự nỗ lực trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, bám sát các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và chương trình, kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Quảng Ninh đã chủ động xây dựng chương trình công tác theo hướng toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.
Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Thanh tra tỉnh đã chủ trì phối hợp cùng các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương trong tỉnh, căn cứ chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, địa bàn, tình hình thực hiện nhiệm vụ về công tác thanh tra, giải quyết KNTC, công tác phòng chống tham nhũng tiến hành khảo sát, đề xuất xây dựng định hướng chương trình thanh tra hàng năm có trọng tâm, trọng điểm; sát với tình hình thực tiễn, phù hợp với công tác lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngành, lĩnh vực; bảo đảm rõ về nhiệm vụ, không chồng chéo về phạm vi, nội dung, thời gian thanh tra, tiết kiệm nguồn lực, theo đúng quy định của pháp luật.
Đơn vị tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thông qua quyết định phê duyệt kế hoạch và chỉ thị về xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng gắn với tiếp công dân, giải quyết KNTC; chủ trì việc rà soát các kế hoạch, xử lý chồng chéo các cuộc thanh tra tại các sở, ngành, địa phương.
Đơn cử như tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 15/11/2021 về nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thanh tra và xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trên cơ sở bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Thanh tra tỉnh cũng chủ động đề xuất nội dung thanh tra, kiểm tra hành chính, thanh kiểm tra chuyên ngành, thanh kiểm tra doanh nghiệp đảm bảo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời tập trung thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC và phòng chống tham nhũng tại các địa phương, các sở, ngành phụ trách những lĩnh vực nhạy cảm, các doanh nghiệp nhà nước do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập theo quy định. Giảm tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch đối với doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019; không xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với những doanh nghiệp đã được thanh tra, kiểm tra thường xuyên nhiều lần trong 2 năm trước đó mà không phát hiện sai phạm nghiêm trọng.
Năm 2023, tiếp tục phát huy những giá trị tích cực và khắc phục những điểm còn tồn tại trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC, Thanh tra tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai và hoàn thành chương trình, kế hoạch thanh tra năm đã được phê duyệt; triển khai kịp thời các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý trên các lĩnh vực; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra và tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra; quyết định, kiến nghị xử lý sau thanh tra. Mục tiêu phấn đấu tỷ lệ thu hồi số tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra về NSNN đạt trên 80%.
Trong 2 năm (2022-2023), Thanh tra tỉnh đã rà soát, cắt giảm 403 cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp do có sự trùng chéo về đối tượng phát hiện trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Trình UBND tỉnh ban hành các quyết định về phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng số 1.979 doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra.
Từ năm 2022 đến hết quý I/2023, toàn ngành thanh tra đã triển khai 36 cuộc thanh tra, trong đó có 10 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 26 cuộc thanh tra đột xuất. Đã ban hành 50 kết luận thanh tra. Qua kết luận thanh tra đã kiến nghị thu hồi về NSNN 45,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác về tiền là 9,7 tỷ đồng; 5 nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về quản lý nhà nước; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 3 vụ việc.
Riêng Thanh tra tỉnh giai đoạn 2020-2023, thực hiện thanh tra kinh tế - xã hội đã triển khai 113 cuộc thanh tra và 29 cuộc kiểm tra, trong đó có 47 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và 95 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất. Đến nay, đã ban hành kết luận, báo cáo kết quả 114 cuộc thanh tra, kiểm tra; đang hoàn thiện kết luận thanh tra, báo cáo kết quả kiểm tra 19 cuộc; 9 cuộc đang triển khai. Qua kết luận thanh tra, kiến nghị thu hồi về NSNN 72,55 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác về kinh tế gần 330 tỷ đồng; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 4 vụ việc; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với 181 tập thể và 188 cá nhân; 63 nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách quản lý nhà nước.
Thanh tra tỉnh cũng triển khai 14 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm tại các sở, ngành, địa phương trực thuộc tỉnh. Qua thanh tra đã kiến nghị các đơn vị khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC và tổ chức thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng; kiến nghị thu hồi về NSNN gần 500 triệu đồng; kiến nghị giảm trừ giá trị quyết toán trên 1,1 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác về kinh tế gần 1,5 tỷ đồng.
Kiên định với quan điểm, nguyên tắc đã xây dựng, toàn ngành thanh tra của tỉnh tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, góp phần xây dựng hệ thống chính quyền trong sạch, vững mạnh, kiến tạo, phục vụ nhân dân.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()