Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:40 (GMT +7)
Thực hiện 3 đột phá chiến lược: Quảng Ninh chuyển động mạnh mẽ
Thứ 6, 17/06/2022 | 08:59:39 [GMT +7] A A
Bước vào triển khai nhiệm vụ năm 2022 - năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách (2022-2025) trong điều kiện có nhiều thuận lợi, tuy nhiên Quảng Ninh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và các ca mắc mới tăng nhanh ngay sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Càng khó khăn hơn khi chuỗi cung ứng lao động bị đứt gãy, giá xăng dầu, nguyên vật liệu và một số loại hàng hoá cơ bản tăng đã tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân…
Với quyết tâm giữ vững địa bàn an toàn - ổn định - phát triển, thực hiện thành công mục tiêu kép, cấp uỷ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng cường, quyết liệt công tác lãnh đạo, chỉ đạo một cách toàn diện.
Trong mọi thời điểm, mọi khó khăn, tỉnh đều vận dụng linh hoạt để thích ứng, trong đó tiếp tục ưu tiên những nhiệm vụ cấp bách, mang tính chiến lược. Đặc biệt, trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn như: Cầu Cửa Lục 3, đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1); đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1); đường kết nối cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh (TP Móng Cái); các dự án ngoài ngân sách như Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, cảng Vạn Ninh, sân golf Đông Triều…
Đặc biệt hơn, khi trong những ngày đầu của năm 2022, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Ninh vẫn tổ chức thành công các sự kiện lớn là khánh thành và đưa vào sử dụng cầu Tình Yêu, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và thông xe kỹ thuật dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Đây là những dự án động lực, góp phần quan trọng kết nối giao thông, tạo sự liên kết vùng, thúc đẩy phát triển KT-XH, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân.
Song song với đó, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục được tỉnh dành nhiều quan tâm. Tỉnh đã tổ chức đánh giá kết quả triển khai chính quyền điện tử, thành phố thông minh giai đoạn 2012-2021 và ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số giữa tỉnh Quảng Ninh với các tập đoàn, công ty công nghệ lớn.
Đến cuối tháng 5, Quảng Ninh đã kết nối chính thức Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được cung cấp 3 dịch vụ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an đến Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh. Đồng thời, thực hiện số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đối với 5 lĩnh vực (tư pháp, lao động, TB&XH, GD&ĐT, TT&TT).
Đến nay, đã có 1.712 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (1.387 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4); đã kết nối 1.180 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia (hiện còn 168 dịch vụ công mức độ 3, 4 tiếp tục được rà soát để kết nối). Ngoài ra, tỉnh cũng hoàn thành giai đoạn 1 thực hiện hoá đơn điện tử với 9.327 doanh nghiệp đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử (đạt 100% đơn vị đủ điều kiện đăng ký sử dụng).
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, với tổng trị giá 3.975,4 tỷ đồng; phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 29 dự án, tổng trị giá 33.923 tỷ đồng…
Những giải pháp cụ thể và sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của tỉnh trong công tác cải cách hành chính đã mang lại sự hài lòng cho tổ chức và công dân, được các cấp, ngành, người dân đánh giá cao về xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ nhân dân của tỉnh. Đến nay, Quảng Ninh có 5 năm liên tiếp (2017-2021) giữ vị trí quán quân về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); 3 năm liên tiếp (2019-2021) đứng thứ nhất toàn quốc Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS); năm 2021 Quảng Ninh đứng thứ hai cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index).
Đây là kết quả của quá trình kiên trì, nỗ lực, liên tục, bền bỉ, có kế thừa, đổi mới để phát triển và xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ, định hình nền quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả, quyết tâm đột phá vào các “nút thắt”, “điểm nghẽn”, mở ra các cơ hội cho phát triển mới của Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, đột phá về phát triển nguồn nhân lực tiếp tục được Quảng Ninh quan tâm thực hiện, trong đó tỉnh tập trung phát triển nhân lực gắn với nâng cao chất lượng dân số. Tỉnh đã phê duyệt và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC năm 2022 với 94 lớp cho trên 6.600 học viên; tiếp tục hoàn thiện đề án Phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; hoàn thành xây dựng đề án Phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, KCN, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh.
Đặc biệt, tháng 3 vừa qua, Quảng Ninh đã khởi công dự án Khu nhà ở công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai, đây là một trong những dự án nhà ở cho người lao động trọng điểm của tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống, tạo thuận lợi để người lao động yên tâm cống hiến, gắn bó với đơn vị, doanh nghiệp, đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()