Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:41 (GMT +7)
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thứ 2, 14/11/2022 | 06:50:00 [GMT +7] A A
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở trong quá trình đổi mới, phát triển KT-XH. Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, việc tiết kiệm thời gian, vật chất, nguồn lực càng trở nên cấp thiết.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có những chủ trương rất cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo gắn nhiệm vụ THTK,CLP với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ CBCCVC có đủ phẩm chất năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị chú trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên, ngân sách nhà nước (NSNN), tài sản công đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả...
Bám sát chỉ đạo của tỉnh về thực hiện chương trình THTK,CLP, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động sử dụng linh hoạt, lồng ghép triển khai các nhiệm vụ của đơn vị trong dự toán được giao hằng năm; quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Các đơn vị cũng chú trọng thực hiện tốt công tác CLP trong sử dụng tài nguyên, khoáng sản, xử lý ô nhiễm môi trường, sử dụng đất đai, quy hoạch xây dựng và xử lý kịp thời những sai phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán...
Từ năm 2016 đến nay, HĐND tỉnh cũng đã ban hành trên 100 nghị quyết có liên quan đến THTK,CLP. Điển hình trên các lĩnh vực, như: Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ % phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách; quy định các nội dung chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa do địa phương quản lý; quy định mức chi hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh; phân cấp quản lý tài sản nhà nước tại cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương; phân cấp thẩm quyền quyết định quản lý sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; ban hành giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước do tỉnh quản lý...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương công khai các lĩnh vực do đơn vị, địa phương quản lý. Đơn cử như: Đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, quản lý sử dụng tài sản trong cơ quan, sử dụng NSNN; các khoảng thu vào NSNN, huy động vốn cho NSNN và cho tín dụng nhà nước; các nguồn quỹ, nợ công; quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH và các quy hoạch khác...
Từ các nội dung nghị quyết và các quy định, chương trình THTK,CLP của tỉnh đã tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị thực hiện quyền tự chủ, chủ động trong quản lý, sử dụng kinh phí được giao, đồng thời gắn trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, CBCCVC-LĐ trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Qua đó, góp phần đảm bảo thu nhập chính đáng cho CBCCVC-LĐ thực hiện tốt chủ trương về THTK,CLP trong quản lý, sử dụng ngân sách.
Song song với đó, bám sát chỉ đạo của tỉnh, các ngành chức năng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình và chỉ đạo công tác kiểm tra, tự kiểm tra của các đơn vị cấp dưới trực thuộc... Giai đoạn 2016-2021, Thanh tra tỉnh, cơ quan ủy ban kiểm tra thanh tra các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai 925 cuộc thanh tra. Qua đó, đã ban hành kết luận 883 cuộc thanh tra. Qua kết luận thanh tra đã thu hồi về NSNN 150 tỷ đồng; kiến nghị giảm trừ quyết toán 98 tỷ đồng; kiến nghị khác về tiền là 339 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị làm rõ trách nhiệm đối với 1.035 tập thể, 1.260 cá nhân.
Cùng với đó, Thanh tra tỉnh và thanh tra các đơn vị triển khai 222 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm tại 542 đơn vị. Qua đó, đã ban hành kết luận 217 cuộc. Đã kiến nghị các đơn vị khắc phục một số tồn tại, nhất là việc phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo chưa chính xác; lập hồ sơ giải quyết chưa đầy đủ; chưa theo dõi, đôn đốc hiệu quả việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo...
Đồng thời, thanh tra các sở trong tỉnh cũng thành lập 3.386 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên trên các lĩnh vực. Qua đó, đã phát hiện, xử phạt hành chính đối với 54.589 cá nhân, tổ chức, tổng tiền xử phạt vi phạm trên 176 tỷ đồng; xử lý tài sản vi phạm trị giá 9 tỷ đồng; kiến nghị truy thu tiền sử dụng đất về Nhà nước.
Có thể thấy, trong quá trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch cũng như trước những biến động của nền kinh tế thế giới và trong nước, THTK,CLP tiếp tục là nhiệm vụ cần thiết được siết chặt, qua đây cũng giúp các địa phương có thêm nguồn lực thúc đẩy phát triển KT-XH.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()