Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:10 (GMT +7)
Thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử đến gần hơn với cuộc sống
Chủ nhật, 29/08/2021 | 15:33:36 [GMT +7] A A
Ngày 28/8, Ban Chuyên môn và Nghiên cứu Khoa học Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ (DESR), Đoàn Thanh niên Viện Năng lượng nguyên tử, Chi đoàn Cục Năng lượng nguyên tử, Chi đoàn Cục An toàn và bức xạ hạt nhân và Báo Khoa học và Phát triển tổ chức hội thảo trực tuyến “Ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” nhằm cung cấp cho công chúng cái nhìn khái quát và gần gũi, qua đó thúc đẩy việc đưa ứng dụng năng lượng nguyên tử đến gần hơn với cuộc sống.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trần Thị Bích Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, nhắc đến năng lượng nguyên tử nhiều người lo ngại bởi nó gợi nhớ đến những thảm họa hạt nhân trong lịch sử. Tuy nhiên, năng lượng nguyên tử lại có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên và môi trường. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, mức tăng trưởng GDP trung bình 6-7% trong vài năm gần đây của Việt Nam có sự đóng góp quan trọng của ngành năng lượng nguyên tử. Do vậy, thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục liên kết giữa các bộ, ngành; các doanh nghiệp; các địa phương để nhân rộng các mô hình ứng dụng năng lượng nguyên tử nhằm thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm lực kinh tế, tiềm năng ứng dụng.
Tổng quan về ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, Thạc sỹ Đỗ Ngọc Điệp, Trung tâm thông tin và tư vấn hạt nhân, Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, năng lượng nguyên tử mang lại nhiều lợi ích bao gồm: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hạn chế tình trạng khai thác quá mức các nguồn tài nguyên gây tổn hại đa dạng sinh học, nguồn nước ngọt, không khí sạch và đất canh tác cũng như đe đọa sự phát triển bền vững. Xác định và xây dựng bản đồ các nguồn nước ngầm, từ đó có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn nước sạch và an toàn. Công nghệ hạt nhân cũng cải thiện hiệu quả các hệ thống thủy lợi hiện đang sử dụng tới 70% nguồn nước ngọt của thế giới. Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả nổi bật, đặc biệt trong chẩn đoán và điều trị bệnh; trong tạo chọn giống cây trồng đột biến, ứng dụng công nghệ hạt nhân trong các lĩnh vực công nghiệp, tài nguyên và môi trường....
Chia sẻ công nghệ ứng dụng vi lượng đất hiếm trong nông nghiệp, ông Nguyễn Trọng Tín, Giám đốc Công ty Cổ phần Atomfeed Việt Nam cho biết, việc sử dụng đất hiếm với liều lượng thích hợp không những làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp mà còn làm tăng khả năng kháng bệnh, giảm chi phí thuốc trừ sâu, giảm độc hại cho người sử dụng. Hiện Công ty đã sử dụng ao đất hiếm để nuôi tôm, bước đầu cho thấy có hiệu quả hơn các ao nuôi khác, hệ số chấm ao đất hiếm giảm lượng tôm rớt đáy không đáng kể. Ngoài ra, công nghệ vi lượng đất hiếm còn được sử dụng vào quy trình trồng và chăm sóc trà Thái Nguyên nhằm đảm bảo hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng tốt nhất cho cộng đồng và người tiêu dùng.
Tại hội thảo, các diễn giả, các nhà khoa học thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao đổi và giải đáp những thắc mắc của độc giả về một số vấn đề như: Liệu thực phẩm có bị nhiễm xạ khi ứng dụng năng lượng nguyên tử? Việc sử dụng nguyên tố đất hiếm có liên quan đến sức khỏe con người? Hiệu quả từ các chương trình ứng dụng nguyên tử tại các địa phương... Các diễn giả, các nhà khoa học cũng đề xuất giải pháp thúc đẩy ứng dụng nguyên tử như: Thông tin tuyên truyền về thông điệp năng lượng nguyên tử vào thực tế; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật và ứng dụng công nghệ bức xạ ở các địa phương; xây dựng Chương trình ứng dụng năng lượng nguyên tử cho từng địa phương.
Theo Báo tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()