Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:40 (GMT +7)
Thúc đẩy tiêu thụ trái cây vào mùa thu hoạch
Thứ 7, 27/05/2023 | 16:59:08 [GMT +7] A A
Nguồn cung trái cây trong nước ngày càng dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế.
Sản lượng trái cây tiêu thụ quý II ước đạt trên 2,6 triệu tấn
Thông tin từ Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng trái cây cả nước trong quý II ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 460.000 tấn, sầu riêng 300.000 tấn, vải thiều 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng vào vụ thu hoạch.
Điều đáng nói, con số trên sẽ tăng dần trong quý III và quý IV. Sản lượng dự kiến năm nay cả nước là 12,4 triệu tấn trái cây các loại. Như vậy, nguồn cung trái cây trong nước ngày càng dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế.
Cung nhiều khiến có thời điểm giá nhiều loại giảm, hoặc khó tìm đầu ra. Để tránh tình trạng này, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị các địa phương phải rà soát sản lượng trái cây trước thời điểm thu hoạch vài tháng.
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: "Trong tuần tới Bộ sẽ phối hợp với các địa phương, có thể 3 tháng tới 5 tháng mới đến vụ thu hoạch nhưng chúng ta phải chuẩn bị từ bây giờ, không phải nước đến chân mới nhảy sẽ bị lỡ một nhịp lớn…"
Xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản nội địa
Theo tính toán của Cục Trồng trọt, từ đầu năm đến nay tiêu thụ được 40% sản lượng và từ nay đến cuối năm dư kiến thu hoạch 7,2 triệu tấn trái cây các loại. Vậy làm sao để khớp được nguồn cung với cầu tiêu dùng trong nước. Vai trò lớn là nằm ở các hệ thống bán lẻ.
Hơn 300 tấn vải thiều của nông dân Lục Ngạn, Bắc Giang vừa được Tập đoàn Central Retail Việt Nam ký kết đưa vào tiêu thụ. Không chỉ vải thiều, các loại nông sản đang vào mùa như măng cụt, bơ, xoài, sầu riêng… đều được cam kết tiêu thụ số lượng lớn.
Ở góc độ địa phương sẽ hoàn thiện thủ tục, chứng nhận chất lượng cung cấp cho nhà phân phối. Ngược lại hệ thống phân phối trực tiếp thu mua, không thông qua thương lái. Như vậy, nông sản đảm bảo đầu ra và nâng giá trị.
Với doanh thu từ mặt hàng nông sản chiếm 30%, WinMart đang tích cực kết nối, hỗ trợ chuyển giao quy trình quản lý chất lượng cho các địa phương, tăng cường quảng bá sản phẩm.
Các địa phương cho biết, đang đẩy mạnh liên kết vùng, tập trung lựa chọn mặt hàng thế mạnh để xúc tiến thương mại theo ưu tiên về thị trường.
Ông Huỳnh Thanh Sử - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết: "Trong tháng 4 TP Cần Thơ đã kết nối với tỉnh Quảng Ninh và tháng 6 tháng, tháng 7 dự kiến ký kết với TP Hồ Chí Minh để kết nối tiêu thụ sản phẩm của bà con với các chợ đầu mối, trung tâm thương mại".
Ngoài kênh phân phối trực tiếp, sàn thương mại điện tử cũng được huy động để đa dạng kênh tiêu thụ cho nông sản.
Mở cửa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm
5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn tăng gần 20% và là một trong 3 mặt hàng nông sản còn giữ được nhịp tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Để tiếp tục thúc đẩy được hoạt động xuất khẩu các loại trái cây vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhiều giải pháp xúc tiến thương mại tiếp tục được Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp cùng phối hợp thực hiện.
Ngay trong quý II dự kiến sẽ có 5 hoạt động xúc tiến giao thương trong và ngoài nước, đáng chú ý là hoạt động xúc tiến với doanh nghiệp tại Trung Quốc và EU để tiếp tục xúc tiến xuất khẩu trái cây những thị trường này.
Song song với hoạt động xúc tiến xuất khẩu thì việc mở cửa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu cũng là điều kiện quan trọng để tạo đà cho xuất khẩu trái cây Việt Nam.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng thị trường đã mở rộng và mở rộng thêm sản phẩm mới trên thị trường khác. Các nghị định thư, các tài liệu ký kết về các quy định liên quan đến kiểm dịch thực vật nhập khẩu của các nước, cũng như an toàn thực phẩm sẽ triển khai rộng khắp thời gian tới. Hy vọng sẽ có nhiều kết quả tốt hợn".
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group cho hay: "Chúng ta phải đi đôi với chất lượng, phải chọn những loại quả loại giống có chất lượng vì khi họ đánh giá là họ đánh gía hàng hoá của Vệt Nam, không riêng gì doanh nghiệp nào".
Mục tiêu xuất khẩu rau quả trong năm nay của là 4 tỷ USD. Thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường tiềm năng nhất của trái cây Việt Nam, ngoài ra, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng cường nhập trái cây Việt Nam.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()