Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:01 (GMT +7)
Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm từ cây sở
Thứ 2, 27/11/2023 | 09:41:33 [GMT +7] A A
Sở là cây trồng truyền thống của người dân huyện Bình Liêu. Tuy nhiên, thời gian gần đây do hạt sở không được giá, một số hộ hiện không mặn mà với loại cây trồng này. Cử tri đề nghị tỉnh, huyện quan tâm có cơ chế hỗ trợ.
Cánh rừng sở ở thôn Đồng Long (xã Đồng Tâm) đang vào mùa thu hoạch. Mọi năm từ đầu tháng 10, thương lái đến tận nơi thu mua, vận chuyển đi chế biến hoặc xuất khẩu. Nhưng năm nay vắng bóng các thương lái. Các hộ dân trồng sở đang gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Hộ anh Vi Trung Tần (thôn Đồng Long) là một trong những hộ trồng nhiều sở ở xã Đồng Tâm. Với 400 cây sở, vào thời điểm được giá, gia đình anh bán được 24 triệu đồng/tấn. Năm nay gia đình thu hoạch chở về nhà tách vỏ, phơi hạt, chờ mang đi ép dầu để sử dụng. Anh Tần cho biết: Từ khi có dịch Covid-19 đến nay hầu như không có thương lái đến mua, bởi vì không xuất được sang thị trường Trung Quốc, bán giá thấp cũng không ai mua. Người dân không còn mặn mà với loại cây trồng này. Mong chính quyền có hướng giải quyết.
Nhiều hộ ở xã Đồng Tâm có ý định chuyển sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Được biết, từ năm 2015 xã Đồng Tâm đã đưa cây sở vào danh sách cây trồng chủ lực của xã. Xã đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, bón phân, tỉa thưa đối với cây sở. Năm 2023 sản lượng của huyện ước đạt trên 200 tấn. Tuy nhiên, do không có thương lái đến thu mua, rất nhiều hộ gặp khó trong khâu tiêu thụ. Cả xã có gần 40 hộ trồng sở với diện tích gần 23ha, giá sở thấp ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập của bà con.
Xác định sở là loài cây chủ lực trong định hướng phát triển kinh tế, tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ cho các hộ dân tham gia phát triển cây sở trong vùng quy hoạch tập trung. Huyện đã triển khai Dự án “Khôi phục và phát triển cây sở giai đoạn 2014-2020” tập trung ở các xã Đồng Tâm, Lục Hồn, Vô Ngại, Hoành Mô. Theo đó, huyện hỗ trợ đến 70% giá cây giống và hỗ trợ phát triển sản xuất theo các chương trình xây dựng NTM và chương trình 135. Đồng thời khuyến khích các HTX sản xuất sản phẩm từ cây sở, thu mua và tiêu thụ quả sở tại chỗ. Nhờ vậy đã thu hút được sự vào cuộc của người dân tham gia. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 570ha sở.
Vào mùa đơm bông dịp cuối năm, cây sở nở hoa trắng tinh khôi, bao phủ vùng biên giới Bình Liêu, tạo nên một vẻ đẹp đầy lôi cuốn. Hội hoa sở Bình Liêu lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2015, đến nay đã thành hoạt động văn hóa tiêu biểu của nhân dân các dân tộc vùng cao Bình Liêu, thu hút hàng nghìn lượt khách tham gia.
Mặc dù đã có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cây sở, tuy nhiên do mức hỗ trợ thấp, chủ yếu hỗ trợ về giống (hỗ trợ một lần cho cả giai đoạn) và chuyển giao KHKT, năm nay không bán được nên người dân không mặn mà. Về mặt kinh tế, cây sở mang lại giá trị kinh tế cao hơn là trồng cây keo. Cây sở trồng 10 năm cho thu hoạch quả ổn định. Nhưng việc bán sản phẩm sở phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, giá cả bấp bênh, thậm chí có những năm không xuất bán được, người dân đã chặt bỏ cây sở để trồng những loại cây khác.
Các cấp, ngành cần sớm có giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị cho các sản phẩm từ cây sở, tạo nguồn thu nhập để bà con duy trì loài cây mang nhiều giá trị này.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()