Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:37 (GMT +7)
Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử
Thứ 2, 26/07/2021 | 08:57:26 [GMT +7] A A
Không chỉ giới thiệu, bán sản phẩm theo hình thức truyền thống tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ... các nông sản Quảng Ninh đã, đang mở rộng được thị trường tiêu thụ thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Hướng đi mới này được kỳ vọng giúp nông sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng.
Sàn TMĐT được hiểu là nơi diễn ra các hoạt động mua bán trực tuyến của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên cùng một website. Ở Việt Nam TMĐT đã xuất hiện từ những năm 2004 và được đánh giá là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam đang ở mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Riêng năm 2020, quy mô TMĐT tại Việt Nam đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%.
Nắm bắt được xu thế này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, kết nối với các sàn TMĐT để bán hàng. HTX Nông - lâm - ngư nghiệp Thái An (TP Móng Cái) là một trong những HTX tiên phong của tỉnh trong việc đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT lớn trong nước. Đây có thể nói là "bước ngoặt" trong chiến lược phát triển của HTX. Bởi trước đây, HTX này đơn thuần đưa sản phẩm trực tiếp tới một số cửa hàng bán lẻ, siêu thị...
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc HTX cho biết: Hiện tại, HTX đã ký được hợp đồng tiêu thụ, phân phối với 2 sàn TMĐT là voso.vn, smartgap.vn. Tại các sàn này, HTX giới thiệu với 5 sản phẩm là tỏi đen khô, khoai lang sấy, khoai lang tươi, ống hút khoai lang và măng tây. So với trước kia, việc tiêu thụ sản phẩm qua sàn TMĐT đã giúp cho chúng tôi mở rộng được thị trường và mang lại hiệu quả trong việc quảng bá sản phẩm. Tới nay, sau hai tháng khai thác trên các sàn TMĐT, chúng tôi thu về hơn 20 triệu đồng. HTX cũng đang chờ phản hồi của các sàn TMĐT khác như Tiki, Sendo… để sớm đưa được các sản phẩm lên kệ tiêu thụ tới đông đảo người tiêu dùng.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến hết sức phức tạp, thì việc đưa các sản phẩm lên tiêu thụ tại các sàn TMĐT lớn, có uy tín đang được doanh nghiệp chú trọng và định hướng lâu dài để phát triển.
Anh Vũ Ngọc Thành, chủ cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Bảo Khang (TP Hạ Long) chia sẻ: Đối với doanh nghiệp Bảo Khang nói riêng cũng như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác nói chung thì việc hoàn thiện thủ tục, quy trình để đưa sản phẩm của mình thoát khỏi “ao làng” thông qua các sàn TMĐT lớn trên cả nước là điều hết sức cần thiết. Hiện chúng tôi đang định hướng sẽ đưa 5 sản phẩm lên các sàn TMĐT để phân phối tới người tiêu dung gồm: Rượu đông trùng hạ thảo; đông trùng hạ thảo dạng sợi, bột, viên nang và đông trùng hạ thảo dạng ký chủ nhộng tằm. Tới nay, chúng tôi đã hoàn thiện thủ tục, danh sách sản phẩm có nhu cầu phân phối theo đúng quy trình hướng dẫn gửi tới các sàn TMĐT trong cuối tháng 6/2021. Tôi mong muốn rằng, các sàn TMĐT trực tuyến sẽ sớm liên hệ, hoàn thiện các quy trình kiểm định, để sớm đưa được sản phẩm lên bày bán và giúp cho chúng tôi có thể gặp gỡ nhiều bạn hàng hơn, cũng như có cơ hội trao đổi thông tin với các đơn vị cùng ngành sản xuất trong cả nước để tiếp tục nâng cao chất lượng, vị thế sản phẩm.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm, mới đây, đầu tháng 6/2021, Sở Công Thương cũng đã tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh qua “Gian hàng Việt” trên các sàn TMĐT năm 2021. Tại hội nghị, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh và đơn vị phân phối hàng hóa lớn như: Tiki, Sendo, Voso.vn, Shoppe… đã có cơ hội trao đổi, tìm hiểu về việc phát triển kinh doanh trên môi trường trực tuyến. Đại diện các sàn TMĐT cũng trực tiếp hướng dẫn quy trình và cách thức phân phối hàng hóa, chính sách ưu đãi do sàn TMĐT xây dựng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm của mình lên các sàn TMĐT. Đồng thời, giới thiệu về giải pháp, gói hỗ trợ tài chính và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam; ứng dụng QR Code trong quản lý sản phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, cho biết: Trong thời gian qua, Sở Công Thương đã thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản tỉnh Quảng Ninh trên nền tảng số, ứng dụng TMĐT, trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế thời đại 4.0. Sở Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong mọi khâu kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là việc phát huy vai trò làm “cầu nối” với Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương và các sàn TMĐT lớn trong nước, nhằm kết nối giao thương, góp phần tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Hiện đã có hơn 20 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh thực hiện việc phân phối hàng hóa trên các sàn TMĐT trong nước, như: HTX Nông - lâm - ngư nghiệp Thái An, Công ty TNHH MTV Nước khoáng Công đoàn Quang Hanh, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh, Công ty CP Nước mắm Cái Rồng Vân Đồn, Công ty CP Ngọc trai Hạ Long, hộ kinh doanh cơ sở sản xuất Bảo Khang… Bước đầu, các sản phẩm của các đơn vị đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.
Với xu hướng phát triển ngày càng hiện đại của TMĐT, sẽ mở ra sân chơi mới đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung kết nối để phát triển tốt hơn ở thị trường trong nước, hướng tới sự phát triển bền vững. Từ đó, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân trong nước, cũng như thúc đẩy tiêu dùng nội địa, góp phần mạnh mẽ hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()