Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:31 (GMT +7)
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản mùa dịch Covid-19
Thứ 7, 29/05/2021 | 08:24:17 [GMT +7] A A
Để đảm bảo tiêu thụ nông sản cho nông dân trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay không bị gián đoạn, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực.
Huyện Hải Hà là một trong những địa phương của tỉnh có sản lượng nông, lâm, thủy sản lớn: Sản lượng chè khô từ 1.400-1.500 tấn/năm; thủy sản trên 14.000 tấn/năm... Sản xuất với số lượng lớn, nhưng sản phẩm tiêu thụ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường tự phát, tính rủi ro cao, dễ bị ép giá, nhất là thời điểm dịch Covid-19 diễn ra, dẫn đến việc người dân bị thiệt, không yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Trước thực tế đó, huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động phát triển thị trường nội địa, hướng đến đưa sản phẩm của Hải Hà vào tiêu thụ trong chuỗi siêu thị trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, huyện phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị sản xuất liên quan để giới thiệu sản phẩm, mặt hàng đến Chi nhánh Công ty CP EB Hải Phòng tại TP Hạ Long (chuyên về chế biến, bảo quản thực phẩm) và Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market tại Quảng Ninh. Từ đó, trao đổi thông tin, chuẩn bị các hồ sơ cần thiết để đưa sản phẩm của huyện vào hệ thống bán lẻ của đơn vị.
Các địa phương khác trong tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Qua đó, vừa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của đơn vị tiêu thụ, người dân cũng yên tâm về giá và đầu ra cho sản phẩm. Tại TX Đông Triều, mô hình trồng khoai tây Atlantic (216ha) đã được Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina (Hàn Quốc) bao tiêu 100% sản lượng đạt tiêu chuẩn. Các xã, phường của thị xã, như Bình Dương, Nguyễn Huệ, Hưng Đạo cũng đã liên kết với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) sản xuất, tiêu thụ lúa giống PC26 để xuất khẩu sang Nhật Bản.
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ký kết tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, bếp ăn tập thể của ngành Than, trường học bán trú, trường học tập trung để cung cấp và tiêu thụ lượng nông sản chất lượng, ổn định.
Bên cạnh tìm kiếm thị trường, các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản đã chủ động đầu tư máy móc, công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm, năng lực chế biến. Xã Tiền An (TX Quảng Yên), với định hướng sản xuất rau sạch, nông dân xã được tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Vùng rau của xã hiện cung ứng ra thị trường trên 20 tấn sản phẩm/ngày. Huyện Vân Đồn, để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu thủy sản sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản... các đơn vị đã chủ động đầu tư công nghệ, máy móc để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe.
Ông Đặng Chung Hội, HTX Hàu sữa Vân Đồn, cho biết: HTX đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua công nghệ, thiết bị máy móc để đảm bảo quy trình khử khuẩn, làm sạch sản phẩm trước khi đóng gói xuất khẩu. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc để xuất khẩu hàu sang Đài Loan, vì chỉ cần test nhanh 1 sản phẩm không đạt chuẩn, toàn bộ lô hàng xuất khẩu sẽ bị hủy.
Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công Thương đang tiếp tục trao đổi với các đơn vị phân phối trên địa bàn tỉnh hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định hiện hành. Những sản phẩm chưa đủ điều kiện, Sở đề nghị địa phương phối hợp với Sở NN&PTNT hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, cơ sở sản xuất áp dụng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn, ứng dụng KHCN, nâng cao chất lượng sản phẩm; hoàn thiện các thủ tục theo quy định; kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác... Cùng với đó, tạo điều kiện khuyến khích các công ty, hộ nuôi trồng tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm quảng bá, giới thiệu nông sản qua các hội chợ, triển lãm trong, ngoài tỉnh và nước ngoài khi tình hình dịch bệnh ổn định.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ trên 90.800 tấn nông sản các loại và hơn 1 triệu quả trứng gia cầm cho người dân. Các hình thức bán hàng online được khai thác tối đa với khoảng 109.000 đơn hàng (tương ứng 227 tỷ đồng). Các hệ thống siêu thị lớn cũng vào cuộc tiêu thụ với trên 104.000 đơn hàng được giao dịch. Các mặt hàng nông sản của tỉnh hiện cơ bản không còn lượng tồn nhiều, đang tiêu thụ ở mức ổn định. Riêng với thủy sản, 4 tháng đầu năm đã tiêu thụ được 43.000 tấn; giá trị xuất khẩu nông sản từ đầu năm đến nay của tỉnh đạt khoảng 331 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm sớm chủ trì phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và tỉnh để làm việc trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam qua các cửa khẩu, chợ biên mậu tại tỉnh. Sở cũng chủ động làm việc với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Trung Quốc) loại bỏ giám sát chỉ tiêu Norovirus trên hàu của Việt Nam; đưa Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản châu Á - Thái Bình Dương tại TP Móng Cái vào hoạt động, đảm bảo cho công tác quản lý hàng hóa, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn một cách thống nhất theo quy định của hải quan Trung Quốc, tăng uy tín về chất lượng và nâng cao giá trị cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()