Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:55 (GMT +7)
Thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt Nam
Thứ 4, 19/06/2024 | 06:17:02 [GMT +7] A A
Thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, nhiều kế hoạch đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện hiệu quả. Qua đó, các sản phẩm “Made in Vietnam” ngày càng ổn định trên thị trường nội địa với đa dạng mẫu mã, chất lượng và giúp doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh.
Để tích cực triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, hằng năm, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập; thông tin, giới thiệu các doanh nghiệp tiêu biểu, địa chỉ tin cậy đến người tiêu dùng; vận động, kết nối, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản cho các địa phương, tham gia các hoạt động bình ổn giá cả thị trường. Đồng thời, phối hợp tổ chức chương trình nhận diện hàng Việt Nam, tuyên truyền các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; phát huy vai trò giám sát xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong vận động nhân dân giám sát, phát hiện, tố giác hành vi buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm...
Sở cũng tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, HTX, nông dân. Giai đoạn 2019-2024, Sở Công Thương tham mưu chỉ đạo, hỗ trợ tổ chức trên 120 chương trình xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin các chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước đến các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Qua các chương trình này, đã giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, kết nối giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối, tiểu thương tại các tỉnh, thành trên cả nước, từ đó nhằm quảng bá, giới thiệu trực tiếp các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Qua đây, người tiêu dùng cũng có thêm các kênh thông tin để nắm bắt, lựa chọn các sản phẩm đảm bảo chất lượng, uy tín.
Nhờ việc triển khai sâu rộng, hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nông sản đặc trưng của tỉnh đã được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến và tin tưởng lựa chọn tiêu dùng. Theo thống kê của Sở Công Thương, đến nay trên 70% người tiêu dùng trong tỉnh đã quan tâm và chuyển sang lựa chọn mua sắm nhiều loại hàng tiêu dùng, thực phẩm do Việt Nam sản xuất.
Bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Sở tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2024-2029 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung rà soát và hỗ trợ kết nối sản phẩm OCOP, nông sản Quảng Ninh của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia đẩy mạnh phân phối sản phẩm, hàng hóa thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam theo chương trình của Bộ Công Thương. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh ứng dụng máy móc khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng, sản lượng tạo ra các dòng sản phẩm mới bắt kịp với xu thế thị trường... Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống phân phối cố định, bền vững và hiện đại, ưu tiên đối với hàng Việt Nam như các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi cung cấp hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, giúp tạo dựng thói quen mua sắm cho người tiêu dùng tiếp cận với hàng Việt, kết hợp với quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP trong tỉnh.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()