Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:54 (GMT +7)
Thúc đẩy tăng trưởng sản xuất của các nhà máy nhiệt điện
Thứ 7, 03/07/2021 | 09:23:21 [GMT +7] A A
Những năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiêp sản xuất điện trên địa bàn đã đóng góp to lớn, quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. Do vậy, việc đồng hành cùng các doanh nghiệp sản xuất điện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, nhất là trong bối cảnh sản lượng điện sản xuất sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự gia tăng mạnh mẽ của điện mặt trời.
Tính đến hết năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện đạt 5.640MW (chiếm 16% tổng công suất các nhà máy điện than của cả nước); lĩnh vực sản xuất điện chiếm khoảng 16,7% GRDP; nộp ngân sách gần 2.000 tỷ đồng/năm và tạo việc làm, đảm bảo đời sống cho gần 4.000 cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên trong năm 2021, để nhường chỗ cho huy động điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), cuối năm 2020, Bộ Công Thương có Quyết định số 3598/QĐ-BCT về việc phê duyệt kế hoạch cung cấp và vận hành hệ thống điện năm 2021. Theo đó, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu toàn quốc năm 2021 là trên 262 tỷ kWh. Trong đó, Bộ Công Thương phê duyệt lượng điện sản xuất của các nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh là 35,076 tỷ kWh (bằng 13,36% cả nước) và thấp hơn so với kế hoạch của tỉnh là 3,424 tỷ kWh.
Để đảm bảo mục tiêu, tăng trưởng của tỉnh và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất than, điện, Sở Công Thương đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các nhà máy điện tại Quảng Ninh được tăng công suất phát điện, đảm bảo tổng công suất đạt 28,1 tỷ kWh điện trong 3 quý còn lại của năm.
6 tháng đầu năm 2021, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đi kiểm tra, làm việc với lãnh đạo các nhà máy điện để chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch, đảm bảo phát triển kinh tế và ổn định đời sống của người lao động các đơn vị sản xuất điện. Đồng thời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để ổn định công tác quản lý hoạt động sản xuất điện trên địa bàn thông qua việc ban hành các chỉ đạo về giải quyết hành lang an toàn lưới điện, sự cố sạt trượt đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải để phục vụ hoạt động của nhà máy điện; báo cáo bộ, ngành trung ương để chấp thuận biện pháp khắc phục sự cố thân đập bãi thải xỉ.
Đáng chú ý, để thúc đẩy tiêu thụ tro xỉ cho các nhà máy nhiệt điện, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, chủ đầu tư các công trình xây dựng trên địa bàn ưu tiên sử dụng tro, xỉ, thạch cao để làm vật liệu xây dựng và sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng có chứa thành phần tro, xỉ, thạch cao trong các công trình xây dựng của tỉnh. Về phía các sở chuyên ngành cũng đã có hướng dẫn việc lập dự toán sử dụng tro xỉ cho các công trình xây dựng (Sở Xây dựng); hướng dẫn việc xử lý, sử dụng, tro, xỉ thạch cao của các nhà máy (Sở Tài nguyên và Môi trường). Do đó, hiện nay việc tiêu thụ tro, xỉ thạch cao đã có nhiều chuyển biến, 100% các nhà điện đã xây dựng và thực hiện đề án xử lý tro, xỉ; tro, xỉ được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy làm phụ gia xi măng, bê tông; sản xuất vật liệu xây dựng; vật liệu san nền. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng lượng tro, xỉ thải của các nhà máy là gần 3,1 triệu tấn, đã tiêu thụ và xử lý 2,7 triệu tấn (đạt 87%). Trong đó, chủ yếu sử dụng để san lấp tại một số dự án như: Khu dân cư lấn biển cọc 6, khu đô thị Bái Tử Long, cụm công nghiệp Cẩm Thịnh, cụm công nghiệp Phương Nam...
Tính đến hết tháng 6, tổng sản lượng điện sản xuất toàn tỉnh đạt gần 20 tỷ kWh (bằng 97% so với kế hoạch 6 tháng của tỉnh và bằng 100,8% so với kế hoạch của Bộ Công Thương phê duyệt). Trong đó, có 3 nhà máy vượt kế hoạch, gồm: Nhiệt điện Mạo Khê, nhiệt điện Quảng Ninh, nhiệt điện Mông Dương. Tuy nhiên, dự báo hoạt động sản xuất điện 6 tháng cuối năm có một số khó khăn do thời điểm quý III là mùa mưa, thủy điện được ưu tiên phát điện và điện mặt trời được đầu tư phát triển mạnh theo chính sách khuyến khích đầu tư điện mặt trời.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Nhận định trước những khó khăn trong sản xuất điện những tháng cuối năm, Sở đã có văn bản đề nghị các đơn vị sản xuất điện chủ động duy tu, sửa chữa thiết bị chuẩn bị sẵn sàng các tổ máy khi được Bộ Công Thương huy động phát điện. Quan điểm của tỉnh là sẽ luôn đồng hành cùng các đơn vị để có kiến nghị với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục nâng công suất phát điện của các nhà máy nhiệt điện, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()