Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:03 (GMT +7)
Thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm
Thứ 2, 15/07/2024 | 15:34:36 [GMT +7] A A
Kinh tế Việt Nam đã đi được nửa chặng đường của năm 2024 với mức tăng trưởng ấn tượng, GDP quý II đạt 6,93%, sáu tháng đầu năm đạt 6,42%, tiếp tục duy trì đà phục hồi quý sau cao hơn quý trước. Nhiều dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước đều nhận định khả quan về xu hướng tích cực của nền kinh tế trong những tháng cuối năm.
Trong nội dung kiến nghị quý II gửi đến Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành để tư vấn các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Trường đại học Kinh tế quốc dân đề xuất nhiều giải pháp tập trung ưu tiên tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô để tăng tốc phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Phối hợp tốt chính sách tài khóa, tiền tệ
Cho rằng đây là thời điểm cần tăng cường chất lượng điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ và bảo đảm an toàn hệ thống tài chính ngân hàng, hỗ trợ cho tăng trưởng, nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị đối với chính sách tài khóa, Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có các biện pháp phù hợp với thực tế, nâng cao trách nhiệm chủ động tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2024 và những năm sau, nhất là các dự án giao thông lớn; từ đó tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp và các nghề có liên quan trong chuỗi giá trị xây dựng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cần xem xét tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến điều hành chính sách tài chính, thuế, quản lý công sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng thương mại làm đại lý bán bảo hiểm nhân thọ; đồng thời có các biện pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bổ sung vốn đều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa; đẩy mạnh các giải pháp để ổn định, phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, bảo đảm niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để khơi thông các nguồn lực đầu tư xã hội, Trường đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị Bộ Xây dựng và các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án bất động sản; Bộ Công an tiếp tục thực hiện chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quyết liệt xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân trá hình kinh doanh tiền tệ, tạo điều kiện củng cố và phát triển hệ thống các tổ chức tài chính cho vay tiêu dùng, góp phần ngăn chặn tín dụng đen.
Đối với chính sách tiền tệ, PGS, TS Hoàng Xuân Quế, Viện trưởng Ngân hàng-Tài chính, (Trường đại học Kinh tế quốc dân), cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần khẩn trương tiếp tục hạ lãi suất cho vay thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ và biện pháp quản lý; bổ sung gói tín dụng ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn với lãi suất thấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay một số đối tượng, lĩnh vực cần được ưu tiên, khuyến khích trong nền kinh tế; đồng thời linh hoạt cấp tín dụng cho các ngân hàng thương mại có khả năng tăng trưởng tín dụng tốt; bỏ hạn mức tín dụng ngay trong năm 2024, thay vào đó là các cơ chế và biện pháp bảo đảm an toàn tín dụng.
Cơ hội thu hút đầu tư và đổi mới công nghệ
Trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt và quyết liệt, ảnh hưởng đến việc hình thành, dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu và định hướng lại chiến lược, chính sách của nhiều quốc gia, nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định đây chính là cơ hội cho Việt Nam trong thu hút đầu tư và đổi mới công nghệ.
Để biến thách thức thành cơ hội, cần đổi mới chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới hướng vào các công nghệ ít tiêu tốn năng lượng, nhiên liệu, công nghệ ít phế thải, công nghệ khép kín, công nghệ xanh. Cụ thể là hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng ưu tiên thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với khu vực kinh tế trong nước, chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực, toàn cầu.
Đẩy mạnh thu hút FDI từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vì đây là nguồn đầu tư mang tính chuyển giao công nghệ cao. Cần tiếp tục sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút FDI có chọn lọc vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, nhất là điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo và lĩnh vực công nghệ cao. PGS, TS Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh (Trường đại học Kinh tế quốc dân) lưu ý, thực tế phát triển công nghệ trên thế giới cho thấy Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các đối tác lớn để tận dụng các cơ hội và điều kiện cho phát triển, tránh bị tụt hậu về công nghệ, nhất là trong lĩnh vực truyền thông, thông tin và chuyển đổi số.
Cần tập trung hơn nữa tạo động lực xuất khẩu, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại điện tử như một kênh hiệu quả cho hoạt động xuất khẩu, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giải pháp cho vấn đề này là ban hành các chính sách hỗ trợ thuế, phí cho các mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn, có nguồn gốc Việt Nam xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử; nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà bán lẻ thực hiện số hóa; hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn như Amazone, Shopee… nâng cao năng lực, kiến thức, hiểu biết về quy trình, luật pháp về xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()