Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:31 (GMT +7)
Thúc đẩy sản xuất nông - lâm kết hợp
Thứ 4, 02/06/2021 | 08:35:49 [GMT +7] A A
Hiện nay, nông - lâm nghiệp kết hợp là một trong những mô hình sản xuất đem lại nhiều hiệu quả tích cực, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Tại Quảng Ninh, việc kết hợp các mô hình trồng cây dược liệu, cây ngắn ngày dưới tán rừng đã góp phần tận dụng tối đa diện tích đất rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, cũng như tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Huyện Ba Chẽ có khoảng 16.400ha rừng sản xuất, chiếm 1/3 diện tích rừng toàn tỉnh. Đến năm 2025, huyện đặt mục tiêu hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000ha. Hiện, quá trình chuyển đổi trồng rừng sản xuất sang rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện đang ngày càng lan tỏa với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo.
Có thể kể đến Dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực miền núi phía Bắc” được triển khai tại xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ) từ năm 2018 với tổng quy mô 20ha. Trong đó một số cây nông nghiệp khác đã được lựa chọn trồng xen dưới tán cây rừng gỗ lớn bước đầu tăng trưởng tốt.
Bà Nịnh Cắm Sáng (thôn Đồng Loóng, xã Thanh Lâm) cho biết: 0,3ha vườn đồi của gia đình tôi trước đây chủ yếu là trồng sắn, khoai lang, nuôi lợn nhưng không đem lại hiệu quả cao. Từ năm 2018, chính quyền địa phương đã hướng dẫn gia đình trồng xen cây ba kích với cây trà hoa vàng nên chúng tôi có thể chăm sóc cả hai loại cây một lúc, tiết kiệm được nhiều nhân công, nước tưới và phân bón. Cây giống đảm bảo, đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng nhanh. Mô hình rất thích hợp với điều kiện đất đai và lao động tại địa phương.
Tại TP Hạ Long, người dân các xã Đồng Sơn, Đồng Lâm và Kỳ Thượng lựa chọn cây khoai sọ nương trồng dưới tán cây keo, vừa phù hợp với thổ nhưỡng tại đây, vừa đem lại giá trị kinh tế cao. Đặc tính của loài cây này là ưa đất lạ, chịu được hạn, sống khỏe ngay trên đất nghèo dinh dưỡng, độ dốc cao, dễ trồng và ít bị sâu bệnh. Để nâng cao chất lượng cây khoai sọ, năm 2016, chính quyền địa phương đã triển khai thí điểm mô hình trồng phục tráng giống khoai sọ nương, tăng khả năng thích ứng và kết hợp với cây lâm nghiệp. Năng suất bình quân đạt 5-6 tấn/ha, nơi đất tốt đạt 10-12 tấn/ha.
Còn ở Uông Bí, Quảng Yên, cây dứa được trồng dưới tán các cây lâm nghiệp, cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Như mô hình trồng dứa xen canh cây keo, thông của gia đình anh Nguyễn Ngọc Lăng (phường Trưng Vương, TP Uông Bí), chỉ với 1,5ha dứa, gia đình anh đã thu lãi hơn 180 triệu đồng. Anh Lăng chia sẻ: Trước đây, toàn bộ diện tích đất rừng được giao của gia đình tôi cũng như các hộ dân lân cận chỉ trồng keo, thông, phần diện tích tán dưới cỏ dại mọc xâm lấn. Để tránh lãng phí diện tích này, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TP Uông Bí đã vận động, hỗ trợ gia đình tôi trồng thí điểm mô hình dứa xen canh trên đất rừng thông. Cây dứa là loại cây rất dễ trồng, không kén đất, cũng không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cầu kỳ, phức tạp; chỉ cần trồng khoảng cách hợp lý, phát tán cho thoáng là cây sinh trưởng phát triển tốt. Sau 12-18 tháng cây đã cho thu hoạch. Với giá bán tại vườn từ 8.000-12.000 đồng/quả loại 1 (đạt khoảng 0,8kg trở lên), vụ dứa này gia đình tôi cho thu hoạch khoảng 18 tấn/ha.
Thực tế, mô hình nông lâm kết hợp hay phát triển kinh tế dưới tán rừng đã đem lại nhiều kết quả tích cực, như tăng hệ số sử dụng đất, thêm thu nhập từ sản phẩm khác ngoài thu nhập của rừng trên cùng một đơn vị diện tích; nâng cao chất lượng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái rừng khi chuyển dần sang trồng rừng gỗ lớn hoặc trồng cây cho giá trị kinh tế cao, trồng cây đa mục đích. Đây cũng là phương thức tận dụng đất có hiệu quả, quay vòng vốn đầu tư nhanh “lấy ngắn nuôi dài”; giảm tình trạng khai phá rừng, đốt nương làm rẫy, bỏ đất trống đồi núi trọc hoặc tình trạng du canh du cư, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương...
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất lâm, nông kết hợp trên đất rừng với khoảng 374.000ha đất rừng sản xuất và đất rừng phòng hộ. Phương thức sản xuất được triển khai dưới nhiều hình thức như: Trồng cây rau màu, cây ăn quả; trồng cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ; xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và vùng chăn thả gia súc, gia cầm...
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Công, để các mô hình nông lâm kết hợp được nhân rộng và đem lại hiệu quả tích cực, cần xây dựng được những mô hình trồng rừng bằng các loại cây cho giá trị kinh tế cao như: Giổi xanh, lát hoa, mờ, xoan đào, chò nâu, dẻ đỏ, lim xanh. Dự kiến, đến năm 2025 diện tích trồng rừng gỗ lớn toàn tỉnh là gần 12.900ha, trong đó có gần 9.000ha trồng và trên 3.800ha chuyển hoá. Bên cạnh đó, Sở sẽ chú trọng các nhiệm vụ xây dựng chính sách hỗ trợ, tuyên truyền cho người sản xuất hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật về sản xuất lâm, nông kết hợp; khuyến khích người dân học tập, mở rộng các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng hay kết hợp chăn nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()