Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:29 (GMT +7)
Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Thứ 5, 13/10/2022 | 07:50:41 [GMT +7] A A
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được tỉnh Quảng Ninh nhận diện là "bệ đỡ" cho sự phát triển kinh tế, góp phần tăng năng suất, giá trị sản xuất cho ngành công nghiệp. Bởi vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) về “Phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.
Từ những định hướng chiến lược, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 97 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, với tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư đạt gần 89.000 tỷ đồng, trong đó có 63 dự án vốn FDI, tổng vốn đầu tư khoảng 77.520 tỷ đồng và 34 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư 13.361 tỷ đồng.
Suất vốn đầu tư dự án công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đạt 3,76 triệu USD/ha (tương đương 86,8 tỷ đồng/ha). Các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo trong các khu công nghiệp tạo việc làm cho hơn 34.700 lao động; thu nhập bình quân lao động xấp xỉ 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2021, các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo trong khu công nghiệp nộp ngân sách nhà nước đạt 922,7 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 32,19%, dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong toàn nền kinh tế, ngày càng khẳng định là một trong những ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Trong 9 tháng năm 2022, tổng vốn đầu tư thu hút vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4.228 tỷ đồng (vốn FDI đạt trên 1.600 tỷ đồng, vốn trong nước trên 2.600 tỷ đồng), với 4 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh tăng vốn. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh trong 9 tháng đạt 12,3%; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 10,97%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng năm 2022 có xu hướng chậm lại so với cùng kỳ năm 2021. Hiện có 6 sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo không đạt kịch bản tăng trưởng đề ra trong 9 tháng và dự kiến đến hết năm có 8 sản phẩm không đạt được theo kịch bản tăng trưởng kinh tế. Cụ thể: Dầu thực vật ước đạt 265.000 tấn, giảm 35.000 tấn so với kịch bản năm; loa, tai nghe ước đạt trên 6,5 triệu bộ, giảm 898.000 bộ so với kịch bản; quần áo ước đạt 17 triệu cái, giảm 3 triệu cái so với kịch bản; nam châm (Công ty TNHH ZKM Industry) chưa có sản phẩm, giảm 3.000 tấn so với kịch bản; vải dệt kim (Công ty TNHH Texhong Dệt kim Việt Nam) ước đạt 5.000 tấn, giảm 25.000 tấn so với kịch bản; tấm sàn Vinil Tines (Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam) ước đạt 52.297 tấn, giảm 37.703 tấn so với kịch bản; tấm quang năng (Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar) chưa có sản phẩm, giảm 8 triệu sản phẩm so với kịch bản; tấm Silic (Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar) ước đạt 758 triệu sản phẩm, giảm 232 triệu sản phẩm so với kịch bản.
Nguyên nhân do một số dự án công nghiệp chế biến, chế tạo chưa đi vào hoạt động, một số sản phẩm không có thị trường đầu ra, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, hoạt động XNK qua các cặp cửa khẩu của Trung Quốc thiếu ổn định. Riêng đối với sản lượng dầu thực vật trong những tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn ra trên diện rộng những tháng đầu năm nay, khiến một số khách hàng tiềm năng của đơn vị, cũng như các nhà máy sản xuất mỳ tôm, bánh kẹo... không đảm bảo đủ nguồn nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất liên tục và ổn định. Điều này dẫn đến giảm sản lượng sản xuất, ảnh hưởng lớn đến một bộ phận của thị trường nội địa. Ngoài ra, các nhà máy ở phía Nam hồi phục sản xuất trở lại nên thị trường của Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân giảm so với năm 2021.
Sản lượng sợi bông cotton của các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, do doanh nghiệp không có đơn đặt hàng, hàng tồn kho lớn; giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi khách hàng ép về giá bán sản phẩm. Nhà máy may mặc của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt tại TP Cẩm Phả khánh thành ngày 19/2/2022, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, Công ty vẫn chưa chính thức tạo ra sản phẩm vì hiện đang trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng sản xuất (chưa có đơn hàng chính thức). Sản phẩm loa, tai nghe do Công ty TNHH Bumjin Electronics gặp khó khăn tìm kiếm khách hàng tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long, cho biết: KCN Sông Khoai hiện đang có 3 nhà đầu tư thứ cấp, tuy nhiên lượng điện năng cung cấp cho KCN chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng. Hiện công suất của Trạm biến áp 220kV Yên Hưng gồm 1 máy biến áp có công suất 250MVA (tương đương 225MW), công suất này chỉ đủ để phục vụ cho Trạm biến áp Amata 1, không đảm bảo công suất cho cả 2 trạm Amata 1 và Amata 2. Do vậy, đơn vị đề nghị Sở Công Thương và các đơn vị liên quan báo cáo UBND tỉnh, đề xuất EVN đảm bảo tiến độ đầu tư nâng cấp công suất Trạm biến áp Yên Hưng và đường dây truyền tải dài khoảng 3,5km đến Trạm biến áp Amata 2.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()