Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:18 (GMT +7)
Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã hiệu quả, mạnh mẽ
Thứ 3, 15/02/2022 | 11:35:57 [GMT +7] A A
Sáng 15/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể (KTTT) và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012.
Cùng dự có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 70-KL/TW ngày 9/3/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, hôm nay, Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về KTTT và Tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX.
Đây là một sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển KTTT, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, từ đó đưa ra những định hướng, giải pháp phát triển KTTT, HTX trong giai đoạn mới đạt hiệu quả mạnh mẽ hơn.
Để có Hội nghị tổng kết toàn quốc ngày hôm nay, Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành tổ chức tổng kết Nghị quyết và Luật trong ngành, lĩnh vực và địa bàn theo Quyết định số 76/QĐ-BCĐ và Quyết định số 77/QĐ-BCĐ của Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX. Đến nay, cơ bản các tỉnh, thành phố đã hoàn thành tổng kết Nghị quyết và Luật HTX. Các báo cáo tổng kết được Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX tổng hợp, hoàn thiện.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao sự tham gia, phối hợp có hiệu quả của các thành viên Ban Chỉ đạo; sự cố gắng, tích cực của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã cùng Ban Chỉ đạo, các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Hội nghị toàn quốc được tổ chức theo hình thức trực tuyến và gồm 2 nội dung: Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ-TW và Tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX.
Để đánh giá một cách toàn diện, tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị toàn thể đại biểu tập trung thảo luận và làm rõ một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, đánh giá khách quan, cụ thể tình hình thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW và Luật HTX năm 2012; chỉ rõ những kết quả đã làm được, những nội dung chưa làm được, nhất là nguyên nhân chưa làm được; rút ra bài học kinh nghiệm.
Thứ hai, đánh giá chính xác tình hình phát triển KTTT, HTX, kết quả đạt được, những tồn tại, trì trệ, hạn chế; từ đó phân tích, dự báo tình hình trong nước, quốc tế và các cơ hội cũng như thách thức đối với lĩnh vực phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới.
Thứ ba, xác định bối cảnh phát triển mới, những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của khu vực KTTT, HTX trong thời gian tới.
Thứ tư, đề xuất những định hướng chiến lược phát triển KTTT, HTX; các đề xuất sửa đổi, bổ sung cụ thể để đáp ứng được yêu cầu phát triển của KTTT, HTX và phù hợp tình hình thực tiễn.
Đây là nội dung khó và liên quan đến nhận thức, cách làm, nguồn lực, tác động đến nhiều đối tượng, nhất là công tác quản lý và quyền, lợi ích trực tiếp của người dân. Do vậy, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, nhất là thực tiễn tại các địa phương, cơ quan, đơn vị thảo luận kỹ, góp ý, đi thẳng vào các vấn đề chính. Thủ tướng mong các nhà khoa học, nhà quản lý thể hiện tinh thần thẳng thắn, phân tích, đánh giá khách quan.
* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 20 năm qua, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực KTTT đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực KTTT với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là HTX là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sau 20 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, khu vực KTTT của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa phát huy được tối đa tiềm năng của mình trong hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước. Điều đó đặt ra nhiệm vụ phải tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, tìm ra những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm để đề xuất định hướng, giải pháp phát triển KTTT thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển mới, phục vụ việc xây dựng dự thảo Nghị quyết mới về KTTT.
Về một số kết quả đạt được sau 20 năm thực hiện Nghị quyết:
Thứ nhất, việc thống nhất nhận thức và quan điểm phát triển, tạo tâm lý xã hội thuận lợi cho KTTT, HTX phát triển đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng.
Nghị quyết số 13-NQ/TW đã đánh giá đúng tình hình, chỉ ra được yêu cầu, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KTTT; là nền tảng và cơ sở quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT 20 năm qua. Về cơ bản, Nghị quyết đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, từ việc học tập, quán triệt, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo cho đến việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Việc triển khai Nghị quyết đã đạt được một số kết quả bước đầu trong việc thống nhất nhận thức về các quan điểm phát triển KTTT, xác lập được môi trường thể chế và tâm lý xã hội thuận lợi cho KTTT phát triển.
Thứ hai, việc xác lập môi trường thể chế và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển KTTT, HTX đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cụ thể hóa Nghị quyết cơ bản được hoàn thiện, đồng bộ. Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đã quan tâm, chỉ đạo, ban hành các văn bản pháp luật, chính sách, hướng dẫn, bổ sung cơ chế, tạo môi trường thể chế thuận lợi cho KTTT phát triển. Bộ máy và hoạt động quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX từng bước được thiết lập, củng cố, đặc biệt là, Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX các cấp được tổ chức thành lập, từng bước kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết và pháp luật về phát triển KTTT, HTX.
Thứ ba, khu vực KTTT, HTX đã có bước phát triển mới về chất và lượng, đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai.
Việc chuyển đổi, tổ chức lại các HTX theo quy định của Luật HTX cơ bản được hoàn thành, nhiều HTX được thành lập.
Các HTX cũ đang hoạt động đã cơ bản chuyển đổi theo Luật HTX năm 2003 và Luật HTX năm 2012. Đến cuối năm 2020, chỉ còn 615 HTX chưa đăng ký và tổ chức lại, chiếm 2,21% tổng số HTX cả nước.
Bên cạnh việc chuyển đổi, tổ chức lại các HTX cũ, công tác vận động, hướng dẫn thành lập các HTX mới cũng có kết quả tốt. Trong 20 năm qua, cả nước đã có 37.810 HTX mới được thành lập, giải thể 21.390 HTX. Số HTX thành lập mới chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, các tỉnh Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và một số tỉnh trung du miền núi phía bắc, Tây Nguyên.
Số lượng HTX tăng, hoạt động đa dạng trên các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đến 31/12/2021, cả nước có 27.342 HTX, tăng 16.420 HTX (gấp 2,5 lần) so với năm 2001; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Trong tổng số 27.342 HTX, HTX nông nghiệp chiếm 67,03%; HTX thương mại, dịch vụ chiếm 7,49%; HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp chiếm 9,05%; HTX giao thông vận tải chiếm 6,7%; Quỹ tín dụng nhân dân chiếm 4,32%; HTX xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 3,23%, HTX môi trường chiếm 1,75% và HTX khác chiếm 0,43%.
Thứ tư, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, kết hợp với công tác phối hợp hiệu quả giữa Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, Liên minh HTX Việt Nam ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển KTTT.
Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KTTT, HTX. Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã được quan tâm, tạo điều kiện củng cố tổ chức, bộ máy và nguồn lực để triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao. Liên minh HTX Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã phần nào thể hiện được vai trò quan trọng của mình đối với khu vực KTTT, HTX; góp phần thúc đẩy KTTT từng bước phát triển.
* Nhân hội nghị trực tuyến với các địa phương cả nước, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các địa phương thúc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân; thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục ưu tiên kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng một số tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()