Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 09:42 (GMT +7)
Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
Thứ 3, 17/09/2024 | 14:38:55 [GMT +7] A A
Thời gian qua, chương trình xây dựng NTM đã và đang tạo động lực giúp kinh tế vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, nhiều mô hình kinh tế đã mang lại hiệu quả cao, nâng cao thu nhập của người dân.
Khi chương trình xây dựng NTM được lan tỏa mạnh mẽ đến với các tầng lớp nhân dân, ở huyện Đầm Hà có gia đình bà Phí Thị Oanh, trú tại thôn Tân Hợp, xã Quảng Tân đã mạnh dạn chuyển đổi 3ha diện tích đất ruộng sang trồng ổi theo hướng VietGAP. Mỗi năm nhờ có cây ổi, đã ổn định đời sống của gia đình bà Oanh với thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Bà Oanh chia sẻ: “Từ khi chuyển đổi sang mô hình trồng cây ổi theo hướng VietGAP, gia đình tôi sử dụng bón phân vi sinh, đảm bảo chất lượng ổi sạch đến với người tiêu dùng, nên vì thế thu nhập cũng dần ổn định hơn”.
Còn với gia đình anh Đặng Văn Giang, ở thôn Trại Dinh, xã Đầm Hà đã quyết định cải tạo lại hơn 3,5ha đất ruộng chua canh tác kém hiệu quả và thành lập HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang để trồng cây chanh leo. Anh Giang cũng cho biết cây chanh leo phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây nên anh đã áp dụng phương pháp trồng theo hướng công nghệ cao. Từ đó, cây chanh leo phát triển tốt, dự kiến chanh leo mỗi năm sẽ cho sản lượng 50 tấn quả, thu về từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng, phê duyệt các kế hoạch, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững, như: Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025; Đề án nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh định hướng đến năm 2030; Đề án quản lý bảo vệ và phát triển rừng, trồng rừng gỗ lớn để phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh đến 2025, tầm nhìn đến 2030…
Tỉnh cũng quan tâm thực hiện các chương trình KHCN phục vụ kinh tế vùng nông thôn như: Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực quản trị cho các chủ thể tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuộc chương trình OCOP.
Để nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững, việc tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông, lâm ngư nghiệp được quan tâm. Các địa phương đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, cơ sở sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, kiểm soát về ATTP.
Với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, số lượng HTX, tổ hợp tác đang ngày càng lớn mạnh và đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, tạo được sự liên kết theo chuỗi giá trị hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 821 HTX, 3 liên hiệp HTX hoạt động trên các lĩnh vực, thu hút 44.377 thành viên tham gia. Doanh thu của các HTX trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp trung bình đạt 850 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt khoảng 150 triệu đồng/năm. Toàn tỉnh có 215 tổ hợp tác, 2 liên hiệp HTX nông nghiệp, tổng hợp; 230 trang trại.
Để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đồng thời, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm… Qua đó, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững; nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()